Doanh nghiệp Việt - Hàn hợp tác thúc đẩy chuyển đổi xanh theo chuẩn quốc tế

Tạp chí Nhịp sống số - FPT IS và SK C&C đã ký kết hợp tác chiến lược để cùng phát triển các giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh khu vực Đông Nam Á đạt chuẩn quốc tế

Trong khuôn khổ Diễn đàn kỹ thuật số Việt Nam - Hàn Quốc 2024 (Vietnam - Korea Digital Forum 2024) tại Nuritkum Square (Seoul), FPT IS và SK C&C đã ký kết hợp tác chiến lược hướng tới nghiên cứu, phát triển nhà máy Netzero của SK C&C tại Đông Nam Á, đồng thời phát triển các giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong các lĩnh vực công nghiệp về ESG.

Vietnam - Korea Digital Forum 2024 là sự kiện do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với NIPA (cơ quan chính phủ phi lợi nhuận trực thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ thông tin Hàn Quốc) và KOSA Plus phối hợp tổ chức, hướng tới kết nối các doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc và Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số - chuyển đổi xanh hiệu quả.

Theo thỏa thuận hợp tác, FPT IS và SK C&C sẽ hợp lực phát triển giải pháp công nghệ và dịch vụ chuyển đổi xanh cho khách hàng doanh nghiệp toàn cầu, tập trung trọng điểm vào Việt Nam, Hàn Quốc và Đông Nam Á.

Cụ thể, hai bên sẽ cùng chia sẻ các giải pháp và năng lực công nghệ triển khai ESG, phát triển các dịch vụ tùy chỉnh cho từng khách hàng, từng khu vực.

Hợp tác này được kỳ vọng giúp “nhân đôi sức mạnh” khi tận dụng các giải pháp công nghệ chuyển đổi xanh mà FPT IS và SK C&C đang sở hữu, đồng thời củng cố mở rộng tệp khách hàng triển khai ESG của hai bên công ty.

Doanh nghiệp Việt - Hàn hợp tác thúc đẩy chuyển đổi xanh

Song song, hai bên dự kiến sẽ hợp tác thiết kế và xây dựng "Nhà máy Net Zero" của SK C&C để tiến vào thị trường Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Nhà máy Net Zero hướng đến việc đạt được trung hòa carbon trong toàn bộ hoạt động của nhà máy, từ tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đến thiết bị hiệu quả cao.

Ông Kim Min Hyuk - Giám đốc toàn cầu của SK C&C - cho biết: "Hợp tác sẽ mở rộng cơ hội để giới thiệu nền tảng Digital Carbon Passport Platform (Hộ chiếu carbon số) không chỉ tại Hàn Quốc, Việt Nam mà còn ở châu Âu và Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, cùng phối hợp với FPT IS để giúp các doanh nghiệp sản xuất toàn cầu đạt được Net Zero, phát triển bền vững, qua đó liên tục tìm ra các chuẩn mực thực thi về ESG trên toàn cầu”.

Được biết, SK C&C tập trung cung cấp các giải pháp kỹ thuật số toàn diện, kết hợp các thực tiễn kinh doanh sáng tạo với công nghệ kỹ thuật số tiên tiến trong 4 lĩnh vực gồm chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud) và sản xuất số (digital manufacturing).

Trong hợp tác với FPT IS, SK C&C cung cấp nền tảng Digital Carbon Passport Platform (Hộ chiếu carbon số). Đây là nền tảng quản lý lượng phát thải carbon toàn diện hỗ trợ đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA) dựa trên dữ liệu carbon thực tế, tự động tạo ra các báo cáo về lượng phát thải carbon và đánh giá tác động môi trường trong toàn bộ vòng đời sản phẩm từ khai thác nguyên liệu, sản xuất, sử dụng cho đến giai đoạn thải bỏ. Bên cạnh đó, nền tảng “Hộ chiếu carbon số” cũng hỗ trợ các tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá dấu vết carbon sản phẩm ISO 14064 và đồng thời hỗ trợ các quy định về CBAM và LCA, và được coi là nền tảng quản lý phát thải carbon đầu tiên tại Hàn Quốc.

Đại diện FPT IS cho biết, doanh nghiệp này đang hợp tác cùng các đối tác quốc tế như: Nền tảng tín chỉ Carbon Nhật Bản (Carbon EX), Công ty phát triển nông nghiệp định hướng khử carbon tại Nhật Bản (Faeger)... và nhiều chuyên gia am hiểu bài toán ESG từ Đức, Nhật… để cung cấp lộ trình và giải pháp chuyển đổi xanh phù hợp cho doanh nghiệp. Trong khuôn khổ hợp tác lần này, FPT IS sẽ chia sẻ giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro cho phép theo dõi và quản lý lượng phát thải carbon theo đơn vị doanh nghiệp. Giải pháp tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064 và kiểm kê phát thải trên 3 phạm vi.

Có thể bạn quan tâm

Intel và Microsoft là những gã khổng lồ công nghệ cao đầu tiên được đưa vào chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA) vào cuối những năm 1990 nhờ sự tăng trưởng trên thị trường PC.