Theo The Wall Street Journal, với hàng triệu ô tô được trang bị các tính năng kết nối lăn bánh trên đường, các hãng xe đang tiếp cận được một lượng thông tin khổng lồ theo thời gian thực, cho phép họ theo dõi mọi thứ, từ địa điểm xe đang đỗ cho đến mức độ hãm phanh đột ngột của tài xế cũng như tình trạng các bộ phận trên xe.
Một số dòng xe mới hiện nay được trang bị đến 100 thiết bị xử lý có thể sản sinh ra dữ liệu. Nhiều hãng xe bắt đầu thu thập dữ liệu để cung cấp các phản hồi, giúp cải thiện hiệu năng của xe, tinh chỉnh các tính năng và cảnh báo sớm cho họ về bất cứ vấn đề chất lượng ẩn giấu nào. Họ cũng đang sử dụng dữ liệu để tạo ra các dịch vụ cá nhân hóa hơn cho tài xế.
Những chiếc xe kết nối có thể "nói" nhiều điều về thói quen của chủ nhân [Ảnh: WSJ]
Tuy nhiên, nhiều hãng xe có các kế hoạch lớn hơn, bao gồm sử dụng dữ liệu để thiết kế các quảng cáo ở màn hình điều khiển xe hoặc bán dữ liệu cho các công ty bản đồ đang tìm cách cung cấp thông tin giao thông chính xác hơn. Theo đó, General Motors (GM) và Ford Motor cùng các hãng xe lớn khác hy vọng các dịch vụ này sẽ tạo ra các dòng doanh thu mới, giúp họ đa dạng hóa kinh doanh, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào mảng cốt lõi là sản xuất và bán xe.
Hãng nghiên cứu thị trường McKinsey & Co. ước tính thương mại hóa dữ liệu từ xe kết nối có thể tạo ra một thị trường trị giá 750 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 khi ngày càng có nhiều xe bán trên thị trường được lắp đặt sẵn các modem và các thiết bị kết nối internet khác.
Mark Boyadjis, nhà phân tích ở hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit cho rằng càng ngày sẽ có càng nhiều ứng dụng và dịch vụ sử dụng trên ô tô được cung cấp miễn phí nhằm thu thập dữ liệu. Ngày nay, các hãng xe có thể khai thác hàng trăm điểm dữ liệu khác nhau từ ô tô từ đồng hồ công-tơ-mét cho đến áp suất lốp.
Dữ liệu "đẻ" ra dịch vụ mới
Hyundai dự kiến đầu năm sau sẽ tung ra một chương trình mới nhằm thu thập dữ liệu từ xe về thói quen lái xe, chẳng hạn mức độ tài xế hãm phanh đột ngột hay số km mà xe chạy trong một ngày. Sau đó, Hyundai sẽ sử dụng những dữ liệu này để giúp chủ xe được giảm trừ chi phí mua bảo hiểm.
Hyundai cho biết dữ liệu chỉ được thu thập khi có sự đồng ý của chủ xe và được chia sẻ với các công ty bảo hiểm ô tô như là thước đo để đánh giá về mức độ lái xe an toàn của tài xế. Các hãng xe lớn trên toàn cầu khác cũng đang làm việc với các công ty bảo hiểm ô tô để cung cấp các gói bảo hiểm giảm giá dựa trên dữ liệu lái xe.
Còn hãng xe Ford gần đây cũng tung ra một dịch vụ mới cho phép ký kết các hợp đồng với các công ty và chính quyền thành phố để thu thập dữ liệu từ các đội xe mà họ sử dụng, chẳng hạn như xe cảnh sát hay xe giao hàng. Dịch vụ này có thể theo dõi tình hình tiêu thụ nhiên liệu và số km mà các đội xe di chuyển trong mỗi ngày cũng như giám sát các hành vi của tài xế khi lái xe, chẳng hạn liệu xe có chạy quá tốc độ hay tài xế có thắt dây an toàn không. Sau đó, Ford sẽ bán dữ liệu và các phân tích cho các cơ quan quản lý các đội xe này.
Ford đang nghiên cứu nhiều phương án khác để thương mại hóa dữ liệu thu thập được từ xe và ước tính rằng trong dài hạn, nỗ lực này có thể mang về 100 đô la/xe/năm, Don Butler, giám đốc điều hành mảng dịch vụ và xe kết nối của Ford, cho biết.
Trong khi đó, GM thông qua một ứng dụng mua sắm có tên gọi Marketplace dành cho tài xế ô tô, sử dụng dữ liệu địa điểm của xe và các dữ liệu khác từ xe để giúp tài xế tìm bãi đỗ xe cũng như lên kế hoạch cho những cuộc hẹn dịch vụ bảo trì ở các đại lý ô tô nằm gần nơi ở của tài xế. GM cũng sử dụng dữ liệu về địa điểm của xe và một tính năng mở cốp xe mà không cần chìa khóa để cung cấp dịch vụ giao hàng của Amazon đến tận xe.
Các hãng xe nhấn mạnh rằng họ phải xin phép sự đồng ý của các chủ xe trước khi thu thập bất cứ dữ liệu nào.
Trong những trường hợp khi mà các hãng xe thu thập dữ liệu rồi cung cấp cho bên thứ ba, dữ liệu sẽ được nặc danh hóa, có nghĩa là tất thông tin cá nhân trong dữ liệu sẽ bị xóa. Tuy nhiên, các chuyên gia quyền riêng tư cho rằng không phải lúc nào tài xế cũng hiểu rõ khi họ đồng ý cho các hãng xe thu thập dữ liệu. Các công bố về việc sử dụng dữ liệu thường được “chôn sâu” trong điều kiện và thỏa thuận sử dụng dịch vụ và được diễn đạt theo những cách mà người tiêu dùng không phải lúc nào cũng dễ dàng hiểu.
Trên nhiều phương diện, ngành công nghiệp ô tô đang chạy theo xu hướng dẫn dắt của ngành công nghệ, đó là thu thập dữ liệu người dùng trực tuyến rồi sau đó sử dụng chúng để cải thiện dịch vụ hoặc bán chúng cho các nhà phát triển ứng dụng hoặc các công ty tiếp thị sản phẩm.
Các công ty kinh doanh dịch vụ dữ liệu xe xuất hiện
“Xe kết nối thực sự giống như một chiếc smartphone, chỉ là có kích cỡ lớn hơn và được đặt trên những chiếc bánh xe”, Lisa Joy Rosner, giám đốc tiếp thị cùa công ty khởi nghiệp Otonomo (Israel) chuyên kinh doanh các dịch vụ dữ liệu xe, nói. Otonomo hợp tác với các hãng xe để giúp xử lý các dữ liệu thu thập được từ xe rồi cấp phép sử dụng cho các bên thứ ba, chẳng hạn các nhà phát triển ứng dụng hay các công ty bảo hiểm. Otonomo sẽ được hưởng hoa hồng từ phí cấp phép này.
Otonomo là một trong nhiều công ty khởi nghiệp mới xuất hiện trong những năm gần đây để làm trung gian mua bán dữ liệu xe. Những công ty khác có mô hình kinh doanh tương tự bao gồm Wejo (Anh) và Caruso (Đức).
Các hãng xe toàn cầu đang xem xét bán dữ liệu cần gạt ở kính chắn gió cho các nhà cung cấp dịch vụ dự báo thời tiết để giúp họ theo dõi chính xác hơn hình thái của các cơn mưa. Họ cũng nhìn thấy tiềm năng trong việc sử dụng các cảm biến và camera gắn trên xe để cung cấp cho các công ty bản đồ thông tin đường xá chính xác hơn cũng như các dữ liệu theo thời gian thực về các hình thái giao thông.
Cason Grover, giám đốc cấp cao ở bộ phận hoạch định công nghệ xe của hãng xe Hyundai, cho rằng các hãng xe cũng có thể sử dụng dữ liệu để đưa ra nhiều ứng dụng dự báo hơn, chẳng hạn nắm bắt thói quen lái xe của tài xế để gợi ý các tuyến đường đi.