Ericsson cùng VNPT ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về Công nghiệp 4.0 và Internet vạn vật

Ericsson cùng VNPT ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về Công nghiệp 4.0 và Internet vạn vật
Tạp chí Nhịp sống số - Ngày 28/5, Tập đoàn Ericsson đã tiếp đón trọng thể Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam cùng phái đoàn thành viên Chính Phủ Việt Nam và các lãnh đạo doanh nghiệp tại trụ sở chính của Ericsson ở Stockholm, Thụy Điển.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm trụ sở Ericsson tại Thụy Điển và chứng kiến lễ ký kết “Thỏa thuận hợp tác Đổi mới sáng tạo Công nghiệp 4.0 và Internet vạn vật” giữa Ericsson và Tập đoàn VNPT

Ngài Thủ tướng đã được chào đón nồng hậu bởi các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Ericsson, bao gồm ông Borje  Borje Ekholm, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Ericsson, và ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam và Myanmar.

Tại buổi đón tiếp, Ericsson đã giới thiệu với Ngài Thủ tướng những công nghệ tiên tiến nhất về 5G, Internet vạn vật (IoT), Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và Điện toán biên (Edge Computing), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng đối với Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 cùng với quá trình Số hóa và Chuyển đổi ngành công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực Sản xuất thông minh.

Ngài Thủ tướng Việt Nam cùng với Giám đốc điều hành Tập đoàn Ericsson đã chứng kiến lễ ký kết “Thỏa thuận hợp tác Đổi mới sáng tạo Công nghiệp 4.0 và Internet vạn vật” giữa Ericsson và Tập đoàn VNPT. Thỏa thuận này nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác song phương trong mở rộng các tiềm năng của Internet vạn vật trong toàn hệ thống mạng di động của VNPT, tận dụng thế mạnh về tính năng IoT di động của Ericsson cùng hệ sinh thái IoT của VNPT, cung cấp các dịch vụ  kỹ thuật số tới cho người dùng, doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước để hỗ trợ các sáng kiến chính phủ điện tử.

Trước đó một ngày, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam, Ngài Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển, Ngài Stefan Löofven, bản “Thỏa thuận Hợp tác Đổi mới sáng tạo Công nghiệp 4.0 và Internet vạn vật” cũng đã được trao đổi giữa Ericsson và tập đoàn VNPT, thể hiện sự hợp tác chiến lược ở cấp cao của hai quốc gia khi thỏa thuận này hướng tới thúc đẩy việc ứng dụng Công nghệ 4.0 tại Việt Nam, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, bao gồm các ngành sản xuất, nông nghiệp, vận tải và năng lượng. Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để thúc đẩy làn sóng phát triển kinh tế xã hội mới của Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết: “Thỏa thuận hợp tác giữa VNPT và Ericsson sẽ hỗ trợ cho khát vọng của Tập đoàn VNPT trong thúc đẩy những sáng kiến Thành phố thông minh và Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của chúng tôi thông qua các dịch vụ số tiên tiến trên nền mạng 4G NB-IoT đối với những nhu cầu ban đầu sử dụng IoT thông thường, và trên nền mạng 5G đối với những nhu cầu sử dụng cao cấp hơn, đòi hỏi dung lượng dữ liệu cao hơn và độ trễ cực thấp trong tương lai không xa.  Chúng tôi cám ơn Ericsson vì đã chủ động tham gia với Tập đoàn VNPT trong hợp tác chiến lược này. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch triển khai những tính năng IoT trên toàn bộ hoạt động kinh doanh toàn cầu của VNPT tại nhiều thị trường khác nhau”.

Đánh giá về hai sáng kiến chiến lược này, ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam và Myanmar, chia sẻ: “Qua thỏa thuận hợp tác này, Tập đoàn VNPT và Ericsson cùng mong muốn xây dựng một nền tảng thúc đẩy sáng tạo cho Công nghiệp 4.0 song phương.  Nhờ cung cấp các tính năng mạng 4G NB-IoT cũng như sử dụng “Trung tâm Đổi mới sáng tạo IoT” mới ra mắt của chúng tôi tại Việt Nam, chúng tôi đang cùng thúc đẩy hệ sinh thái IoT tại Việt Nam, đồng thời tạo đà cho triển khai 5G. Và qua sự hợp tác mà chúng tôi đã ký với Vụ Kinh tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng tôi đang khẳng định cam kết cũng như liên kết chiến lược của mình với tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy ứng dụng Công nghiệp 4.0 trong mọi ngành nghề tại Việt Nam, hướng tới tăng trưởng kinh tế số cùng thúc đẩy làn sóng phát triển kinh tế - xã hội mới trong giai đoạn 2020-2030 dựa vào ba yếu tố chính gồm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Khi thị trường ứng dụng IoT ngày càng phát triển, thì sẽ xuất hiện nhiều nhu cầu ứng dụng cao cấp, dẫn tới yêu cầu các tính năng mạng tiên tiến cũng tăng cao. Theo Báo cáo Di động của Ericsson tháng 11-2018, số kết nối IoT qua di động dự kiến sẽ đạt tới 4.1 tỉ vào năm 2024 – với mức tăng trưởng hàng năm là 27%.

Có thể bạn quan tâm