Hai bên kỳ vọng, 5G sẽ là hạ tầng di động thế hệ mới và nhanh chóng trở thành nền tảng quan trọng cho sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông trên toàn cầu. Theo đó, China Mobile và Ericsson sẽ tập trung vào cải tiến kiến trúc mạng theo hướng tiến lên 5G, bao gồm sự ảnh hưởng qua lại giữa 5G và sự tiến hóa của LTE, cũng như phát triển thêm và làm mới các tính năng của mạng truy nhập vô tuyến (RAN) để có thể hỗ trợ cho các trường hợp sử dụng 5G trong các ngành công nghiệp.
Nghiên cứu và phát triển các ứng dụng trên nền IoT cũng là một phần quan trọng của thỏa thuận này. Cụ thể, China Mobile và Ericsson sẽ trình diễn, xác nhận và thử nghiệm công nghệ IoT băng hẹp (NarrowBand IoT – NB IoT) phục vụ cho truyền thông dạng máy (Machine-Type Communication), cũng như hợp tác về các trường hợp ứng dụng theo ngành dọc tương ứng.
China Mobile đã thương mại hóa công nghệ 4G sử dụng chuẩn kỹ thuật song công phân chia theo thời gian (TDD-LTE) vào tháng 12/2013. Sau tròn 2 năm triển khai, nhà mạng này thông báo đã có hơn 287 triệu thuê bao 4G, chiếm gần 35% trong tổng số 825 triệu thuê bao di động của hãng.
Trước mắt, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm. Trong thời gian này, 2 bên sẽ cùng triển khai các công việc có liên quan đến việc thẩm định, thử nghiệm và chuẩn hóa giao diện vô tuyến 5G mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu có một mạng 5G thương mại hoàn chỉnh vào năm 2020.