Giai đoạn 2018 - 2030: Viettel đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%

Giai đoạn 2018 - 2030: Viettel đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%
Tạp chí Nhịp sống số - Sau 3 giai đoạn phát triển kéo dài gần 30 năm, với "vai vế" của một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, Viettel sẽ bước vào giai đoạn thứ tư sớm hơn dự kiến 2 năm cùng nhiều mục tiêu lớn được đặt ra.

Viettel, Nhân sự cao cấp, chiến lược kinh doanh, Viettel 4.0,

Ngày 3/8 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có cuộc chuyển giao lịch sử, với việc Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) bàn giao chiến lược giai đoạn 4 của Viettel và chức danh cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.

Đại diện Viettel cho biết, Tập đoàn đã trải qua 3 giai đoạn phát triển chính: từ một Công ty xây lắp (giai đoạn 1989 - 1999) trở thành một trong những công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam (giai đoạn 2000 - 2010) và hiện là một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao (giai đoạn 2010 - 2018). Như vậy, Viettel sẽ bước vào giai đoạn thứ tư sớm hơn dự kiến 2 năm.

Chiến lược của Tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo 2018 - 2030 là duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%, trở thành Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số 1 Việt Nam về Viễn thông và Công nghiệp công nghệ cao, trở thành top 150 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vào năm 2030, trong đó top 10 về Viễn thông và CNTT; Top 20 về Công nghiệp Điện tử Viễn thông; Top 50 về Công nghiệp an toàn, an ninh mạng; cơ cấu doanh thu viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 55%; công nghiệp công nghệ cao chiếm 25%, lĩnh vực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống là 10%.

Trong chiến lược giai đoạn 4 của mình, Viettel cũng xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Trong đó tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống.

Tại lễ bàn giao, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel đã cam kết và thể hiện tinh thần quyết tâm khi chính thức là người mang trọng trách kế thừa các thành quả công nghệ của giai đoạn Viettel 3.0 và trực tiếp đưa Tập đoàn Viettel bước vào một chương mới của lịch sử giai đoạn 4.0 và kinh doanh toàn cầu. 

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.