Thông tin trên được đưa ra từ nghiên cứu Các Điểm Đến Châu Á/TBD năm 2018 của Mastercard, qua đó cho thấy xu thế du lịch mới khi nói đến những điểm đến được du khách yêu thích tại Châu Á.
Nghiên cứu này là một trong những cam kết của Mastercard nhằm hỗ trợ ngành du lịch trong khu vực, phân tích các hành trình du lịch tại 160 điểm du lịch của Châu Á/TBD nhằm giúp ngành du lịch, chính phủ và các đối tác hiểu rõ hơn và đáp ứng nhu cầu du lịch tốt hơn. |
Theo đó, tổng số lượt du khách quốc tế đến Hạ Long tăng 29.1%, từ 1.8 triệu năm 2016 lên 2.3 triệu trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng này chỉ đứng sau thành phố Oita– Nhật Bản (58%), Daegu – Hàn Quốc (57.7%) và Kumamoto - Nhật Bản (55.30%).
Kết quả từ nghiên cứu cũng cho thấy rằng trong năm 2017, số lượng du khách quốc tế nghỉ qua đêm tại 160 điểm du lịch của Châu Á/TBD đã tăng 5.6% so với năm 2016, với 333 triệu lượt đến, trong đó Bangkok tiếp tục dẫn đầu. Cùng đó, trong 8 năm qua (từ 2009-2017), chi tiêu trung bình mỗi ngày tại các điểm du lịch của Châu Á/TBD đã tăng khoảng 10% từ 135 đô la Mỹ lên 148 đô la Mỹ, trong khi số ngày nghỉ trung bình lại giảm trung bình 11% từ 5.94 ngày xuống còn 5.35 ngày. Điều này có nghĩa du khách lưu lại ít ngày hơn nhưng lại tiêu xài nhiều hơn trong chuyến đi của mình. Các thành phố có thể dùng doanh thu từ du lịch để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp tăng trưởng và phát triển bền vững.
Cũng theo kết quả nghiên cứu này, các thành phố du lịch nhỏ trong khu vực đang đạt được sự tăng trưởng về lượng du khách quốc tế cao hơn trong năm 2017 so với các thành phố lớn hơn. Điều này một phần nhờ vào sở thích của du khách muốn khám phá những nơi độc, lạ và có nhiều trải nghiệm đậm bản sắc văn hóa hơn.
Các thành phố hạng hai này có thể trở thành những trung tâm du lịch kế tiếp của Châu Á. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu và duy trì tăng trưởng nhanh chóng đòi hỏi phải có sự đầu tư chiến lược về cơ sở hạ tầng du lịch. Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam hội đủ cơ hội để tận dụng chi tiêu du lịch của du khách quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP. Các thành phố này cần sự đầu tư về cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng bền vững.
Điều này đòi hỏi sự phát triển chiến lược về cơ sở hạ tầng cơ bản như sân bay đến các phương tiện công cộng, vệ sinh những nơi công cộng, và đảm bảo nguồn nước sạch. Theo đại diện Mastercard, công ty sử dụng những thông tin dữ liệu và phân tích của mình nhằm giúp các chính phủ và thành phố nắm bắt được những tiềm năng của họ, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo nhiều cơ hội việc làm.