Sáng 22/7, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội tổ chức Hội thảo trao đổi về ứng dụng AI trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố và giải quyết các vấn đề dân sinh bức thiết trên địa bàn .
Tham dự hội thảo, ngoài lãnh đạo Sở TT&TT và các đơn vị liên quan, còn có hai chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là GS.TS Khoa học Hồ Tú Bảo và GS. Nguyễn Lê Minh.
Ứng dụng AI hướng tới phát triển thành phố thông minh
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 về việc ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 57/KH- UBND ngày 8/2/2024 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024, trong đó có các nhiệm vụ về phát triển dữ liệu số; xây dựng, phát triển các ứng dụng chuyên ngành (ứng dụng các công nghệ tiên tiến sử dụng AI) phục vụ nội bộ các cơ quan nhà nước của thành phố và giao các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Hà Nội - kỳ vọng, qua hội thảo, các chuyên gia và các doanh nghiệp công nghệ sẽ có những ý tưởng, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần chung tay giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội trên địa bàn thành phố, tạo đà cho việc xây dựng Thành phố thông minh.
Bên cạnh việc giới thiệu bức tranh tổng thể về trí tuệ nhân tạo (AI), về AI tạo sinh, các chuyên gia đưa ra một số khuyến nghị cho thành phố triển khai ứng dụng công nghệ này.
Đặt AI trong hệ sinh thái Chuyển đổi số
Tại hội thảo, đại diện Sở Y tế Hà Nội, Công an TP Hà Nội… cũng đặt câu hỏi về những lĩnh vực cụ thể và việc ứng dụng AI.
Trước câu hỏi của đại diện Sở Y tế Hà Nội về việc AI có thể đưa ra những chẩn đoán điều trị như thế nào, GS.TS Hồ Tú Bảo cho rằng, trước mắt, AI nên được dùng trong việc thu thập dữ liệu để TP có bức tranh về chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng, tình trạng bệnh tật, tình trạng sức khỏe… Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, đối với việc ứng dụng để chẩn đoán và ra phác đồ điều trị thì cần tiếp cận theo hướng "đường dài" hơn.
Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, dữ liệu là cốt lõi của việc dùng AI, do đó Hà Nội cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức về AI, về dữ liệu, có kiến thức và năng lực sử dụng các công cụ AI... Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, Thành phố cần đặt việc phát triển các giải pháp AI trong hệ sinh thái chuyển đổi số.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ những kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này. Theo đó, GS.TS Hồ Tú Bảo nhận thấy, TP Hồ Chí Minh có sự phối hợp chặt chẽ với các trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ để triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ nói chung trong giải quyết các vấn đề bức thiết của thành phố. Đây là điều mà Hà Nội có thể tham khảo khi tìm giải pháp AI.
Đồng quan điểm, Giáo sư Nguyễn Lê Minh cũng đề xuất Hà Nội ứng dụng AI trong phòng cháy, chữa cháy.
Theo đó, nên phân loại và lập danh sách các hộ kinh doanh, nhất là kinh doanh vật liệu có nguy cơ cháy cao, hằng ngày gửi tin nhắn cảnh báo phòng cháy, chữa cháy vào khung giờ cố định, để người dân tự kiểm tra quy trình có an toàn và qua đó nâng cao ý thức.
Bên cạnh đó, với đặc điểm Hà Nội có nhiều ngõ hẹp, mật độ dân cư cao, thành phố có thể lập bản đồ thông tin phòng cháy, chữa cháy, lắp cảm biến (sensor) cảnh báo cháy (như kinh nghiệm như ở Nhật Bản) để giảm nguy cơ cháy nổ…
Cùng với phần trao đổi của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp công nghệ như MISA, BKAV, Viettel.. cũng đưa ra nhiều giải pháp hữu ích trong vấn đề xây dựng thành phố thông minh, hiện thực hóa khát vọng của TP Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh...