Theo Bloomberg, nguồn tin giấu tên cho biết Grab sẽ mua các hoạt động của Uber tại một số thị trường nhất định ở Đông Nam Á, và Uber sẽ nắm giữ một phần cổ phần của Grab. Điều này giống như thỏa thuận Uber với Didi Chuxing ở Trung Quốc vào năm 2016, khi công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) bán hoạt động tại nước này để đổi lấy cổ phần trong Didi Chuxing. Đối với thỏa thuận giữa Grab và Uber, nguồn tin cho rằng Uber sẽ nắm giữ khoảng 20% cổ phần trong Grab.
Grab đã có những cuộc thảo luận riêng với các nhà tài trợ hiện có, bao gồm SoftBank Group Corp và các nhà đầu tư mới để bổ sung vốn. Các cuộc đàm phán hiện tại có thể vẫn chưa hoàn tất, và nội dung thỏa thuận có thể thay đổi.
Đồng sáng lập kiêm CEO Grab Anthony Tan tin rằng thỏa thuận này sẽ chấm dứt một cuộc chiến giữa công ty ông và Uber trong việc chiếm lĩnh thị trường taxi chung đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á. Các công ty này đã liên tục đưa ra nhiều chính sách đấu đá nhau để kiểm soát các thị trường ở khắp Đông Nam Á, với tổng dân số lên đến 620 triệu người.
Trong khi đó, CEO Uber Dara Khosrowshahi đang nỗ lực giải quyết vấn đề tài chính cho công ty trước khi tham gia phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm sau. Rút khỏi thị trường như Đông Nam Á hứa hẹn giúp công ty cải thiện lợi nhuận, tuy nhiên Khosrowshahi khẳng định cam kết của công ty với các thị trường trọng điểm như Nhật Bản và Ấn Độ.
Cổ đông lớn nhất của Uber là SoftBank (Nhật Bản) cho biết công ty sẽ khuyến khích các startup dịch vụ chia sẻ xe trong danh mục đầu tư để giảm bớt cạnh tranh với nhau. SoftBank hiện cũng đang nắm giữ cổ phần của Didi (Trung Quốc) và Ola - một startup gọi taxi ở Ấn Độ.
Ước tính từ CB Insights cho biết, Grab mới đây đạt trị giá thị trường khoảng 6 tỉ USD. Công ty hiện có hơn 81 triệu lượt tải xuống ứng dụng cho điện thoại di động và hiện cung cấp dịch vụ tại 178 thành phố ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện tại, phía bên Uber và Grab từ chối bình luận về vấn đề này.