Kaspersky phát hiện hơn 340.000 cuộc tấn công bằng mod WhatsApp độc hại

Tạp chí Nhịp sống số - Kaspersky đã phát hiện một mod WhatsApp mới không chỉ cung cấp các tính năng hỗ trợ người dùng mà còn chứa một mô-đun phần mềm gián điệp độc hại.

Thông tin từ Kaspersky mới đây cho biết, đã phát hiện ra một mod WhatsApp độc hại, hiện rất phổ biến trong ứng dụng nhắn tin Telegram. Theo Kaspersky, mặc dù mục đích sửa đổi là để nâng cao trải nghiệm khách hàng nhưng ứng dụng này đang bí mật thu thập thông tin cá nhân từ người dùng.

Cùng đó, mặc dù nạn nhân được xác định là các đối tượng trên toàn cầu nhưng phần mềm độc hại này nhắm mục tiêu vào người dùng giao tiếp bằng tiếng Ả Rập và Azeri, với phạm vi hơn 340.000 cuộc tấn công trong một tháng.

Kaspersky phát hiện hơn 340.000 cuộc tấn công bằng mod WhatsApp
...cứ mỗi 5 phút, chúng truyền tải những thông tin liên lạc và tài khoản chi tiết của nạn nhân, cũng như có thể thiết lập bản ghi micrô và trích xuất các tệp từ bộ nhớ ngoài

Thông thường, người dùng thường sử dụng mod của bên thứ ba để thêm các tính năng bổ sung vào các ứng dụng nhắn tin phổ biến. Mặc dù các mod này giúp nâng cao chức năng nhưng cũng đi kèm với phần mềm độc hại tiềm ẩn. Khi nghiên cứu cơ chế này, Kaspersky đã phát hiện một mod WhatsApp mới không chỉ cung cấp các tính năng như lên lịch tin nhắn và các lựa chọn tùy chỉnh mà còn chứa một mô-đun phần mềm gián điệp độc hại.

          

Trong tháng 10 vừa qua, hệ thống ghi nhận thông tin đo từ xa của Kaspersky đã phát hiện hơn 340.000 cuộc tấn công liên quan đến bản mod WhatsApp này. Mối đe dọa này xuất hiện vào thời gian gần đây và bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 8/2023.

          

Cụ thể, sau khi tệp kê khai của ứng dụng khách WhatsApp được điều chỉnh đã xuất hiện các thành phần đáng ngờ (dịch vụ và broadcast receiver) không có trong phiên bản gốc. Khi điện thoại đang bật nguồn và trong chế độ sạc, bộ thu sẽ khởi động dịch vụ và kích hoạt mô-đun gián điệp. Theo đó, bộ cấy độc hại sẽ gửi yêu cầu kèm theo thông tin thiết bị đến máy chủ của kẻ tấn công. Dữ liệu này bao gồm mã số nhận dạng thiết bị di động quốc tế (IMEI), số điện thoại, mã quốc gia và mã mạng… Ngoài ra, cứ mỗi 5 phút chúng truyền tải những thông tin liên lạc và tài khoản chi tiết của nạn nhân cũng như có thể thiết lập bản ghi micrô và trích xuất các tệp từ bộ nhớ ngoài.

Phiên bản độc hại đã hiện diện qua các kênh phổ biến trên Telegram, trong đó một số kênh có đến hai triệu người đăng ký. Các nhà nghiên cứu của Kaspersky đã cảnh báo Telegram về vấn đề này.

Các quốc gia có tỷ lệ tấn công cao nhất là Azerbaijan, Ả Rập Saudi, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Mặc dù xu hướng tấn công nghiêng về phía người dùng nói tiếng Ả Rập và tiếng Azerbaijan, nhưng việc này cũng tác động đến các cá nhân từ Hoa Kỳ, Nga, Anh, Đức và hơn thế nữa.

Theo Dmitry Kalinin - chuyên gia bảo mật tại Kaspersky, nhiều người dùng thường tin dùng những ứng dụng từ các nguồn được nhiều người theo dõi, đây chính là kẽ hở cho những kẻ lừa đảo lợi dụng. 

"Sự lây lan của các mod độc hại thông qua các nền tảng phổ biến của bên thứ ba nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng ứng dụng khách tin nhắn tức thời (IM) chính thức. Tuy nhiên, nếu bạn cần một số tính năng bổ sung không có trong ứng dụng khách ban đầu, bạn nên cân nhắc sử dụng giải pháp bảo mật uy tín trước khi cài đặt phần mềm của bên thứ ba, vì phần mềm sẽ bảo vệ dữ liệu không bị xâm phạm. Để bảo vệ dữ liệu cá nhân được chắc chắn, hãy luôn tải xuống ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng hoặc trang web chính thức", Dmitry Kalinin nói.

 

Khuyến nghị từ Kaspersky
  • Tải ứng dụng và phần mềm từ các nguồn chính thức và uy tín. Hạn chế các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba vì nguy cơ lưu trữ các ứng dụng độc hại hoặc bị xâm phạm sẽ cao hơn.
  • Sử dụng phần mềm bảo mật uy tín: Cài đặt và duy trì phần mềm chống vi-rút và phần mềm độc hại uy tín trên thiết bị của bạn. Thường xuyên quét thiết bị để tìm các mối đe dọa tiềm ẩn và cập nhật phần mềm bảo mật. Sử dụng Kaspersky Premium để bảo vệ thiết bị của bạn khỏi các mối đe dọa đã biết và chưa biết.
  • Tìm hiểu về những trò lừa đảo phổ biến: Luôn cập nhật về các mối đe dọa, kỹ thuật và chiến thuật mạng mới nhất. Hãy thận trọng với các đề nghị đáng ngờ hoặc các yêu cầu khẩn cấp về thông tin cá nhân hoặc tài chính.
  • Phần mềm của bên thứ ba từ các nguồn phổ biến thường không được bảo hành. Hãy nhớ rằng những ứng dụng như vậy có thể chứa các phần cấy ghép độc hại.

Có thể bạn quan tâm