Cụ thể, Nguyễn Quán Anh Minh (AI Engineer, sinh năm 1997) và Nguyễn Tuấn Khôi (Data Engineer, sinh năm 1994) vừa đạt Quán quân tại cuộc thi "Show US the Data" do Coleridge Initiative tổ chức trên Kaggle, nền tảng thi đấu về trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới.
Ngoài việc giành về phần thưởng trị giá 30.000 đô la Mỹ, các giải pháp của hai kỹ sư trẻ này dự kiến sẽ được ứng dụng trong việc phân tích dữ liệu tại Hoa Kỳ.
"Show US the Data" được phát động trên toàn cầu với tổng giá trị giải thưởng hấp dẫn 90.000 USD (hơn 2 tỷ đồng). Cuộc thi nhằm tìm kiếm giải pháp trong phân tích và xử lý dữ liệu để giải quyết các vấn đề “nóng” toàn cầu như đại dịch, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, đa dạng sinh học, đói nghèo, suy dinh dưỡng ở trẻ em... Điều này sẽ là cơ sở cho chính sách của các tổ chức chính phủ tại Hoa Kỳ, đồng thời giúp đánh giá hiệu quả của dữ liệu quốc gia để có sự đầu tư hợp lý.
Đây là một sân chơi có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi các chuyên gia trí tuệ nhân tạo, nhà khoa học máy tính trên toàn cầu tham gia phải tìm giải pháp AI nổi bật và chưa từng có, giúp việc nhận dạng tài liệu, dữ liệu công hiệu quả và nhanh chóng.
Sau gần 3 tháng dự thi, hai kỹ sư trẻ Việt Nam xuất sắc vượt qua 1.600 đội chơi nặng ký đến từ nhiều quốc gia có nền công nghệ tiên tiến. Theo đại diện Zalo, trong khi, các đối thủ tập trung vào việc phát hiện từ khóa chính, bị phụ thuộc vào những bộ dữ liệu được cung cấp và có thể bỏ sót giá trị, kỹ sư Zalo lại chọn hướng tiếp cận dựa trên Deep Learning để đưa ra giải pháp AI có thể phát hiện dữ liệu dựa trên các thành tố, thông tin ngữ cảnh liên quan đến dữ liệu chính đã được cung cấp. Những dữ liệu được tìm ra (detect) gần như không bị bỏ sót và phụ thuộc vào nguồn (tên, mã) dữ liệu được cung cấp ban đầu.
Chính điều này đã giúp 2 kỹ sư của Zalo chiến thắng ở cuộc thi AI toàn cầu. Các đội Á quân đến từ các nước có công nghệ phát triển như Nga, Singapore...
Đây là 2 thành viên còn khá trẻ tại Zalo. Đây cũng được xem là đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng AI ở Việt Nam, tập trung vào 4 mảng chính của trí tuệ nhân tạo là Thị giác máy tính (Computer Vision), Xử lý tiếng nói (Speech Proceesing), Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), và Big Data & Machine Learning (Dữ liệu lớn và máy học).
Hiện nay, thành tựu nghiên cứu từ AI của Zalo đang được ứng dụng trên nhiều sản phẩm hiện có của hệ sinh thái nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho của người Việt. Ngoài ra, Zalo cũng cung cấp các công cụ giúp phát hiện đường lưỡi bò phi pháp, chuyển đổi văn bản thành giọng nói, phân loại hình ảnh, kiểm duyệt content miễn phí ra cộng đồng. Đặc biệt, sản phẩm trợ lý tiếng nói Kiki của Zalo dựa trên công nghệ tổng hợp tiếng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên hiện đang khá phổ biến trên xe hơi điều khiển bằng giọng nói, trên ứng dụng nghe nhạc Zing MP3, và sắp tới sẽ xuất hiện trên hệ thống nhà thông minh.
Ở mảng học thuật, Zalo cũng được đánh giá tích cực. Zalo AI Summit được xem là diễn đàn lớn nhất trong năm về trí tuệ nhân tạo dành cho giới chuyên môn. Trong khi đó, Zalo AI Challenge là cuộc thi khuyến khích các kỹ bạn trẻ tham gia và nghiên cứu AI với sự tư vấn hướng dẫn từ các chuyên gia AI trong ngành.
Đơn vị này cũng đạt được nhiều giải thưởng cao trong lĩnh vực AI về công nghệ xử lý tiếng nói. Các kỹ sư AI của Zalo có nhiều bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.
Ra đời vào năm 2010, Kaggle đã trở thành nền tảng thi đấu về AI lớn nhất thế giới, đặc biệt ở lĩnh Data Sciences và Machine Learning. Kaggle cung cấp các bộ dữ liệu lớn để cộng đồng cùng tham gia giải quyết các bài toán mang tính xã hội cao và so sánh thuật toán với nhau cho đến khi đạt độ chính xác cao nhất. Kaggle cũng là cộng đồng cho phép việc chia sẻ các mã, thuật toán, dữ liệu cũng như các khóa huấn luyện AI ngắn hạn. Kaggle được xem là nơi lý tưởng để học và rèn luyện về AI, đặc biệt ở lĩnh vực Data Sciences và Machine Learning trên thế giới hiện nay.