Nguyên nhân là do sim trả trước được mua bán khá dễ dàng. Dù sức ép của dư luận cũng như cơ quan quản lý nhà nước rất lớn, nhưng các nhà mạng có thực sự quyết tâm ngăn chặn vấn nạn này hay chỉ "ném đá ao bèo"?
Thả lỏng việc mua bán sim kích hoạt sẵn là nguyên nhân dẫn đến loạn tin nhắn “rác”.
Tin nhắn "rác" ban đầu xuất hiện từ các số điện thoại di động trả trước 11 số, quảng cáo bán hàng từ chăn, ga, gối, đệm đến bất động sản, dịch vụ gia sư, mua bán sim số đẹp... Sau đó, tin nhắn "rác" phát triển thêm nội dung mê tín dị đoan, bói toán, cờ bạc, thậm chí nội dung trái với thuần phong mỹ tục, dẫn kết nối đến các trang web khiêu dâm... Thậm chí, những số thuê bao trả trước, được mua bán khá dễ dàng, còn được sử dụng thực hiện các hành vi gây mất trật tự trị an, an toàn, an ninh quốc gia, tống tiền, đe dọa, khủng bố...
Các thuê bao di động thường xuyên bị quấy rầy, bởi các tin nhắn không mong muốn, vào bất kể lúc nào; có thể từ sáng sớm, vào giờ nghỉ trưa, thậm chí nửa đêm. Thực tế thời gian qua, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), và các sở TT-TT địa phương đã phát hiện và xử phạt không ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, kinh doanh đầu số tổng đài và chính các nhà mạng đã vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông, gây thiệt hại (với số tiền từ vài chục triệu đồng lên tới cả tỷ đồng) cho khách hàng.
Nhiều người đặt câu hỏi: Khách hàng sử dụng dịch vụ di động đem lại hàng trăm nghìn tỷ đồng doanh thu, hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho nhà mạng, song, không hiểu tại sao các nhà mạng lại không có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ khách hàng tránh khỏi những phiền phức này?
Từ năm 2012, Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư số 04 về quản lý thuê bao trả trước, trong đó có các quy định cụ thể việc đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin cá nhân, thuê bao trả trước. Mạnh tay hơn, cuối tháng 10/2016, Bộ TT-TT đã yêu cầu 5 nhà mạng: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gmobie cùng ký cam kết thu hồi sim đã kích hoạt nhưng chưa đăng ký thông tin thuê bao trên thị trường, bắt đầu từ ngày 1/11/2016, bảo đảm hoàn thành trước ngày 1/1/2017. Đáng chú ý, các nhà mạng sẽ kiểm tra chéo việc thực hiện của nhau...
Theo ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Viettel đã rà soát và hỗ trợ khách hàng đăng ký lại thông tin thuê bao trả trước. Viettel đã nhắn tin cho các thuê bao sử dụng sim kích hoạt sẵn vào các ngày 5 và 11/11 (dự kiến sẽ nhắn tin nhắc nhở tiếp vào ngày 2111) để khách hàng biết. Những thuê bao không đăng ký lại thông tin chính chủ, sau ngày 21/11, sẽ bị tạm khóa. Khi đó, khách hàng có thể mang chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu đến cửa hàng trực tiếp của Viettel gần nhất để đăng ký thông tin thuê bao. Khách hàng có thể thấy phiền toái, nhưng đây là việc cần thiết để bảo đảm an toàn cho chính khách hàng.
Còn đại diện Tổng công ty VNPT - VinaPhone cho biết, từ ngày 5/11, nhà mạng đã nhắn tin nhắc nhở khách hàng đến các cửa hàng giao dịch của đơn vị đăng ký lại thông tin thuê bao chính chủ. Trong vòng 15 ngày, kể từ thời điểm thông báo, nếu khách không đăng ký lại thông tin thuê bao, VNPT - VinaPhone sẽ khóa dịch vụ vào ngày 21/11/2016. VNPT - VinaPhone cam kết tuân thủ các quy định và nghiêm túc xử lý sim kích hoạt sẵn tồn trên kênh phân phối bảo đảm xong trước ngày 1/1/2017.
Các nhà mạng đã cam kết quyết liệt thu hồi sim kích hoạt sẵn, ngăn chặn tin nhắn "rác". Tuy nhiên, hiệu quả thế nào thì cứ chờ đã, vì nạn tin nhắn "rác" đã tồn tại nhiều năm nay và cũng đã có không ít giải pháp được đưa ra. Mặt khác, chính các nhà mạng cũng có quyền lợi không nhỏ từ việc hợp tác, ăn chia với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, do vậy bên cạnh cam kết của nhà mạng, cần sự vào cuộc, giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, để việc ngăn chặn tin nhắn "rác" không như "ném đá ao bèo"; và chỉ quyết liệt khi công luận lên tiếng.