Trường Hy Vọng là ngôi trường đặc biệt, nơi nuôi dưỡng, đào tạo các em học sinh mất cha mẹ vì đại dịch COVID-19. Trường do Tập đoàn FPT và Quỹ Hy Vọng thành lập, với mong muốn chia sẻ, yêu thương, nâng bước trưởng thành cho các em. Năm nay, trường Hy Vọng tiếp tục mở rộng cửa đón thêm gần 100 học sinh mới từ cấp 1 đến cấp 3, đến từ 13 tỉnh thành như Bình Dương, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh,…
Nơi "con đường Hy Vọng đang sáng dần"
Theo bà Trương Thanh Thanh - Thành viên Hội đồng sáng lập, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT, Trường Hy Vọng đã bước sang năm thứ 3 và đón 6 lứa học trò. Năm nay, trường vừa có thêm 15 học trò đã sải cánh vững vàng bay ra cuộc đời.
"Con đường 3 năm vừa qua không dài nhưng cũng không ngắn. Nhưng ngày hôm nay rất khác với những ngày đầu. Hôm nay chúng tôi đón các con với đầy đủ lòng tự tin, vì chúng tôi đã có kinh nghiệm đưa các con đến cuối con đường. Chúng tôi hiểu khó khăn trước mắt là gì, và biết sẽ giải khó khăn đó bằng cách nào. Chúng tôi đơn giản bắt đầu bằng tấm lòng, và rồi con đường Hy Vọng đang sáng dần...", bà Thanh Thanh nói.
Được biết, hơn 1 tháng qua, các em học sinh khoá cũ đã cùng với thầy cô dọn dẹp và chuẩn bị phòng tươm tất, gọn gàng. Trong dịp này, người thân của một số học sinh cũng đi cùng nhằm tham quan cơ sở vật chất, nơi lưu trú và học tập của con em.
Đại diện Trường cho biết, sau khi đến Đà Nẵng, các học sinh mới sẽ được tiếp nhận "trung đội" của mình. Các em sẽ cùng nhau trải qua các hoạt động làm quen và trải nghiệm môi trường học tập mới như: phổ biến nội quy, cấp phát tư trang, nhận phòng lưu trú, tham dự buổi lễ chào mừng, lắng nghe chia sẻ của lứa học sinh cũ..., từ đó giúp các em có thêm niềm tin vượt qua mất mát, tiếp tục học tập, trưởng thành và phát triển.
Câu chuyện đứa trẻ có "mong ước lạ"
Trường Hy Vọng có bao nhiêu học sinh là bấy nhiêu câu chuyện riêng với những nỗi niềm trẻ thơ sớm mồ côi cha, mẹ. Dù không hề dễ dàng, nhưng các em đã dần tìm được "điểm tựa" mới nơi đây.
Thầy Võ Hồng Tri - Trưởng phòng kết nối - Đào tạo trường Hy Vọng - cũng có một câu chuyện khó quên với em Huỳnh Tấn Bảo như vậy. Bảo là một học sinh vừa vào cấp 2, với tuổi thơ khó khăn, nhiều mất mát. Bảo mồ côi bố từ nhỏ. Tuổi thơ của em là ngồi trong giỏ xe đi bán vé số trên khắp các con đường với mẹ. Từ ngày mẹ mất vì đại dịch, em ở với thím và chị gái. Thím cũng làm nghề bán vé số, còn chị gái bỏ học từ 16 tuổi, đi làm thuê cả ngày.
"Khi tiếp xúc với em, tôi nhận thấy đây là một em bé rất thật thà và tình cảm" - thày Tri kể - "Hỏi sau này lớn lên, trưởng thành, em sẽ làm gì đầu tiên và em có mong ước gì? Em bảo em sẽ đi làm, kiếm tiền về cho thím, vì thím là người đã cưu mang em khi em không còn mẹ. Còn em chỉ có một mong ước, đó là có người nhắc nhở em mỗi ngày. Như bao đứa trẻ khác, em cũng thích dùng điện thoại, nhưng em lại mong có người nói với em rằng em không được dùng nhiều. Khi nghe chuyện về trường các em sẽ phải hạn chế dùng thiết bị điện tử, em ấy sẵn sàng đưa lại điện thoại cho các thầy cô"...
Mong ước thật “lạ” ấy ẩn chứa nỗi khao khát của một đứa trẻ mong muốn được quan tâm, và thày Tri cũng như các đồng nghiệp tại Trường Hy Vọng đã, đang luôn lắng nghe để bù đắp những khoảng khuyết thiếu đó cho các học trò.
Đại diện trường cho biết, với sự hỗ trợ và đồng hành của Tập đoàn FPT, cùng sự chung tay của nhiều tổ chức, doanh nghiệp như Đại học Y Phan Châu Trinh, Bệnh viện Tâm Trí, Tập đoàn Thiên Long, Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF), Nestle, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Báo Thanh Niên,… Trường Hy Vọng không chỉ mang đến cho các em môi trường học tập tốt nhất, mà còn là nơi giúp các em xây dựng lại niềm tin vào cuộc sống, khôi phục lại những ước mơ còn dang dở. Hy Vọng là ngôi trường của tình yêu thương.
Được biết, năm học 2023 - 2024, trường có 40 học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba học sinh giỏi cấp quận, thành phố các môn Toán, Tiếng Anh, Văn, Sinh… và các thành tích cao các môn thể thao như điền kinh, cầu lông,… Trong đó có 8 giải nhất, 12 giải nhì, 8 giải ba và 12 giải khuyến khích.