Ngành bao bì đối mặt "tiêu chuẩn kép" về an toàn thực phẩm và môi trường

Ngành bao bì đối mặt
Tạp chí Nhịp sống số - Vừa phải đảm bảo an toàn cho các thực phẩm, đồ uống được bao chứa bên trong, vừa phải thân thiện với môi trường theo các tiêu chuẩn phát triển bền vững, đó là "tiêu chuẩn kép" mà các nhà sản xuất bao bì hiện nay đang phải đối mặt.

Thông tin được đưa ra từ Báo cáo Tetra Pak Index lần thứ 13 - một nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu do Tetra Pak phối hợp với Ipsos1 thực hiện. Theo đó, an toàn thực phẩm vẫn là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng. Liên quan đến chủ đề này, những người tham gia khảo sát cũng cho rằng, COVID-19 là một “mối đe dọa thực sự” do những nguy cơ và các hệ lụy mà nó mang lại (64% người thực hiện khảo sát đã xác định COVID-19 là vấn đề khiến họ lo lắng nhất, trong khi lo lắng về các vấn đề kinh tế đang tăng lên, tăng từ 40 % đến 47%). 

Cùng đó, việc bảo vệ môi trường vẫn có sức nặng đáng kể, khiến người tiêu dùng “tiến thoái lưỡng nan” khi muốn cân bằng giữa an toàn thực phẩm và môi trường.  

Báo cáo Tetra Pak Index lần thứ 13 cũng cho thấy mối quan tâm trên toàn cầu về an toàn thực phẩm và nguồn cung thực phẩm trong tương lai tăng 10%, đạt mức 40% so với 30% vào năm 2019. Ngoài ra, hơn 50% người tiêu dùng cho rằng việc nâng cao an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của các nhà sản xuất mà đã trở thành vấn đề số một các công ty cần ưu tiên giải quyết ở cả thời điểm hiện tại và trong tương lai. 

Theo nghiên cứu năm nay, sức khỏe có mối liên hệ sâu sắc với các tiêu chí được nâng cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Có đến 2/3 số người tiêu dùng cho rằng khỏe mạnh đồng nghĩa với an toàn, và 60% người tiêu dùng trên toàn cầu cho biết họ lo lắng liệu thực phẩm họ mua có hợp vệ sinh và an toàn hay không.

Liên quan đến bao bì sản phẩm, người tiêu dùng cho rằng mục đích chính của bao bì là đảm bảo an toàn thực phẩm. Họ cũng bày tỏ lo ngại liệu những đổi mới trên bao bì nhằm bảo vệ môi trường có ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm hay không, mặc dù phần lớn người được hỏi đều nhất trí "sử dụng bao bì bền vững" là một trong những vấn đề hàng đầu mà các thương hiệu thực phẩm và đồ uống cần giải quyết ở hiện tại và tương lai.

Ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Tetra Pak, cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, thúc đẩy các xu hướng, tạo ra những thay đổi mới cho nhu cầu của người tiêu dùng và là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển hơn nữa. Cụ thể, ngành bao bì cần giải quyết vấn đề nan giải ngày càng gia tăng xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường, hướng tới mục tiêu kép là đáp ứng nhu cầu lương thực của con người, đồng thời  bảo vệ hệ sinh thái. Bao bì thực phẩm có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hài hòa hai mục tiêu nêu trên.”

Tetra Pak cũng cho biết đã thiết kế các sản phẩm bao bì có tính bền vững cao với vỏ hộp được làm hoàn toàn từ vật liệu có thể tái tạo hoặc tái chế sau khi sử dụng, ít phát thải carbon, cho phép phân phối trên diện rộng và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm. 

Báo cáo Tetra Pak Index 2020 cũng nhấn mạnh, việc lãng phí thực phẩm ngày càng được quan tâm hơn, thể hiện qua tỷ lệ 3/4 số người tham gia khảo sát lo ngại. Dịch COVID-19 tác động đến chuỗi cung ứng, khiến người tiêu dùng coi lãng phí thực phẩm là một vấn đề cấp bách. Điều này có khả năng còn tiếp diễn trong tương lai khi nhu cầu thực phẩm ngày càng gia tăng do tăng dân số toàn cầu. Người tiêu dùng cho rằng giảm thiểu lãng phí thực phẩm vừa là hành động bảo vệ môi trường từ phía họ và cũng là một trong ba ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất. Nhưng các nhãn thông tin dễ gây hiểu nhầm trên bao bì đang là rào cản, tạo ra cơ hội truyền thông hiệu quả hơn cho các nhãn hàng. 

Dan Esty - Giáo sư tại Đại học Yale - bình luận: “Số liệu năm nay của Tetra Pak nêu bật những mối quan tâm mới của người tiêu dùng và xã hội mà chúng tôi nhận thấy ngày càng được phản ánh rõ hơn qua những nghiên cứu học thuật. Để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng, sản lượng lương thực cần phải tăng thêm 70% vào năm 2050, trong khi đó các vấn đề về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực lại càng cấp thiết hơn nữa, bắt buộc phải có những thay đổi cấp bách”. 

Có thể bạn quan tâm