Nhật ký mạng: Chuyện bây giờ mới kể [kỳ 1]

Nhật ký mạng: Chuyện bây giờ mới kể [kỳ 1]
Tạp chí Nhịp sống số - Thành phố đi vắng. Nắng chiếu xuống con đường buổi sớm vắng lặng. Vắng đến nỗi tuyệt nhiên không một tiếng xào xạc nào cả. Tưởng như vừa đi lạc vào một thành phố đi làm ca chưa về...
Trên đây là những dòng cập nhật trạng thái ngày 4/8/2021 của một bác sĩ (BS) được đưa vào tâm dịch để chiến đấu cùng virus corona, những ấn tượng đượm buồn của ngày đầu tiên tiếp nhận nhiệm vụ tại đại đô thị vốn là "đầu tàu kinh tế" của cả nước nay đang trong thời kỳ giãn cách xã hội. 
Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam... và nay là Tp. Hồ Chí Minh, BS Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) được "điểm danh" trong hầu hết các điểm nóng của cuộc chiến chống Covid-19. Bên cạnh chuyên môn cao và uy tín nghề nghiệp, anh còn được đông đảo cư dân mạng biết đến và dõi theo tại tài khoản mạng xã hội Facebook Hung Ngo với hơn 158 nghìn người theo dõi. Đây cũng chính là tác giả của loạt sách "hot": "Để yên cho bác sĩ hiền", "3 phút sơ cứu", “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” với chất chuyên môn được dẫn dắt bằng giọng văn dí dỏm, hài hước và "đanh đá". 

Được sự đồng ý của BS, Nhịp Sống Số sẽ đăng tải series "nhật ký mạng" có tên gọi Chuyện bây giờ mới kể của anh, ghi lại những vui buồn suy tư... trong những phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi từ tâm dịch. Qua đó, không chỉ chia sẻ cùng độc giả những câu chuyện "người thật việc thật", giúp mọi người hiểu hơn về cuộc chiến nơi tâm dịch, mà còn góp phần lan tỏa những cảm xúc tích cực và niềm tin về một ngày "bình thường mới" - với nhịp sống "hồi sinh", sôi động trở lại! 

Để "nhật ký mạng" này bảo toàn được văn phong và cảm xúc, Tòa soạn xin phép hạn chế việc biên tập ít nhất có thể, mong được độc giả đón nhận và hòa chung xúc cảm!

Hùng Ngô
Bác sĩ Ngô Đức Hùng tại Bệnh viện dã chiến 16, tranh do họa sỹ Đoàn Doan vẽ lại từ ảnh chụp 
... Lần trước, cũng vội xách vali ra khỏi nhà tận 2 tháng. Từ Hà Nam xuyên lên Bắc Giang, chiếc xe đi đúng trên con đường mình hay về quê, đi qua nhà mình đang ở, rồi xuyên qua đám ruộng có mộ mẹ ở đó. Một chút bâng khuâng nhìn qua ô kính, rồi thôi.

Rồi đến khi mở cừa nhà, phát hiện cái quạt máy quên chưa tắt và nó vẫn chạy sà sã 2 tháng liền chờ mình về mà không bị cháy. Hú vía.

Đi làm được 3 tuần, một buổi tối sếp gọi "em có sẵn sàng lên đường tiếp không?", mình cười he he bảo lúc nào em cũng có cái vali bên cạnh. A lê hấp sáng hôm sau lại kéo ra khỏi nhà, còn chẳng nhớ có bao nhiêu quần áo trong đấy nữa, chỉ nhớ đúng cái máy đọc sách và ít cafe nhét vào từ tối. Chỉ cần thế thôi là mình đủ sống qua ngày.

Hàng xóm nhìn thấy hỏi lại đi đâu đấy, mình cười he he bảo em đi du lịch cho đỡ buồn. Tất cả rộ lên trời ơi đang dịch dã mà đi du lịch được á, mình ờ.

Ra đến sân bay, bà chị quầy boarding kêu lên "ối em ơi dự kiến bao giờ em về, hộ chiếu chuẩn bị hết hạn rồi đấy". Mình cười he he bảo hết hạn thì sau em đi bộ về nhà lo gì. Bà chị bảo "em đùa à". Mình ờ.

Thế rồi chuyến bay hạ cánh trong một chiều đầy nắng với một thành phố đi vắng mọi người đi làm ca chưa về. Chiếc xe lúc lắc chạy lặng lẽ trên con đường đầy cô đơn và ám ảnh. Những khung cửa sổ đóng kín, chỉ có tiếng bánh xe nghiến trên đường tạo ra những âm thanh đều đều buồn ngủ. Những con bồ câu cũng đứng lặng yên phơi nắng bên những hiên nhà, không lích chích. Tất cả trộn lẫn vào, và mình đi trong một không gian đẹp và buồn ấy.

Đồng nghiệp, cũng là học trò của mình gọi điện từ nơi khác về đầy thổn thức, cuộc sống mong manh quá thầy ạ, ngày nào em cũng phải chuyển người chết đi khỏi đây. Mình an ủi ờ, tập quen với sự mất mát đi, cuộc sống đôi khi phải học cách tàn nhẫn để giúp mình đứng vững. Tàn nhẫn không phải giúp cho mình mà cho nhiều người khác, ủy mị chỉ khiến người xung quanh mình yếu mềm hơn mà thôi. Chưa phải lúc làm điều đó. Còn nếu muốn, thì chui vào một chỗ mà khóc đi, rồi đi làm. Nó vầng.

Số ca chết tăng lên mỗi ngày không có dấu hiệu dừng lại, đó là chuyện tất yếu khi F0 tăng lên. Các phác đồ điều trị chia sẻ tràn lan trên mạng, đương nhiên đúng có sai có. Nhưng hơn cả, là thói quen đọc và áp dụng kiểu “phúc thống phục nhân sâm” của cộng đồng mạng, họ sẽ bỏ hết các lưu ý phân loại trong đó mà chỉ chú ý đến cái tên và rủ nhau uống. Mấy nữa với việc lạm dụng này, các khoa phòng ICU* sẽ lại ngập nhiễm trùng bệnh viện và nấm mà thôi.

Tuy thế, khi nào thấy cuộc đời đầy những u tối, chỉ cần tắt mạng xã hội và ngó ra ngoài cửa lại thấy ngập gió và tình yêu quanh mình ngay ấy mà, he he. 

 

ICU: Khu/Khoa Chăm sóc Tích cực - một khoa chuyên môn cao dành cho các bệnh nhân cần theo dõi, chăm sóc điều dưỡng chuyên sâu và hỗ trợ hô hấp phức tạp.

Có thể bạn quan tâm