Được xem là một trong những xu hướng chính của ngành Tài chính - Ngân hàng trong tương lai gần, chủ đề về Ngân hàng mở (Open Banking) là nội dung được đề cập đến trong Phiên Toàn thể của Hội thảo và triển lãm Smart Banking 2024, diễn ra ngày 29/10 tại Hà Nội. Sự kiện do Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức, với chủ đề "Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững".
Ba yếu tố nền tảng để tiến tới Ngân hàng mở
Theo các chuyên gia, trên thế giới, Ngân hàng mở (Open Banking) là nền tảng đầu tiên để mọi người bắt đầu áp dụng những dịch vụ cơ bản về ngân hàng như mở tài khoản, phát hành thẻ... Tuy nhiên, ngân hàng mở đang phát triển xa hơn với tài chính mở (Open Finance), nơi không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính mà còn mở rộng sang các dịch vụ khác trong hệ sinh thái, hay nói cách khác, kết nối với những thực thể khác trong lĩnh vực tài chính như công ty bảo hiểm... Từ đó, các doanh nghiệp có thể cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn tốt hơn để quản lý tài chính. Và cuối cùng là hướng tới nền kinh tế mở (Open Economy), nghĩa là liên kết tài chính và phi tài chính.
Tham gia phiên thảo luận về chủ đề này, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Quản lý Tài khoản, Mastercard Việt Nam - đã chia sẻ về ba yếu tố nền tảng để tiến tới Ngân hàng mở và xa hơn là Tài chính mở và nền Kinh tế mở.
Đầu tiên là về hạ tầng kiến trúc. Theo chuyên gia này, mỗi nền tảng ngân hàng mở phải có các điều khoản, điều luật cũng như tiêu chuẩn chi tiết của dữ liệu, chẳng hạn như những dữ liệu nào bắt buộc chia sẻ, dữ liệu nào khuyến khích chia sẻ, dữ liệu nào để cho những bên tham gia lựa chọn... Bộ tiêu chuẩn như vậy sẽ giúp các thành viên tham gia đưa ra các chiến lược phù hợp để triển khai.
Tiếp theo là về quyền của người dùng. Bản chất của ngân hàng mở là trao quyền cho người dùng, và người dùng cần hiểu họ được trao quyền như thế nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Anh cho thấy gần 60% người dùng chưa thực sự hiểu về quyền lợi của mình sau 5 năm triển khai ngân hàng mở. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và kết nối với người dùng để họ hiểu rõ quyền lợi của mình.
Và cuối cùng là chiến lược của các bên tham gia. Các ngân hàng có thể lựa chọn tham gia một cách thụ động bằng cách đáp ứng theo quy định của pháp luật về ngân hàng mở, hoặc tham gia một cách chủ động trong việc xây dựng và xem đó là một chiến lược để tạo ra những giá trị thặng dư mới cho doanh nghiệp. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của mỗi ngân hàng.
Vai trò thanh toán số trong việc phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở
Trong bối cảnh đó, phiên chuyên đề 2 tại Smart Banking 2024 đã tập trung thảo luận quanh chủ đề "Phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm".
Tại đây, đại diện Mastercard đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về "Thúc đẩy đổi mới trong thanh toán số và hơn thế nữa". Theo đó, trước bối cảnh chuyển đổi số các loại tài sản, công nghệ mới cũng cho phép mã hóa tài sản, từ bất động sản đến đồ vật cá nhân, dưới dạng kỹ thuật số và trao đổi dễ dàng. Dự kiến, tổng giá trị tài sản mã hóa trên toàn cầu có thể đạt gần 4 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Vì vậy, các tổ chức tài chính cần cung cấp dịch vụ lưu trữ và trao đổi an toàn cho các tài sản kỹ thuật số trong môi trường được quản lý chặt chẽ.
Đồng thời, những thách thức trong thanh toán truyền thống, như phụ thuộc vào thiết bị di động, xác thực thanh toán trực tuyến... sẽ dần được cải thiện với công nghệ sinh trắc học và thanh toán tích hợp, cho phép các thiết bị và phương tiện tự động thực hiện giao dịch, hướng đến một tương lai giao dịch nhanh chóng và tiện lợi hơn.
Bên cạnh đó, tiếp cận với "ngân hàng mở", các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro khi chia sẻ dữ liệu khách hàng, thậm chí có thể làm gia tăng tỷ lệ rời bỏ của khách. Tuy nhiên, sự cạnh tranh mà ngân hàng mở mang lại lại có lợi cho người tiêu dùng, giúp họ dễ dàng so sánh dịch vụ giữa các bên, thúc đẩy các tổ chức tài chính nâng cao chất lượng dịch vụ. Với một số nhóm khách hàng nhất định, đặc biệt là những người có nhu cầu tín dụng, ngân hàng mở có thể tạo điều kiện dễ dàng cho họ sử dụng dịch vụ bằng cách cho phép chia sẻ dữ liệu rộng hơn để đánh giá tín dụng. Cách tiếp cận này đang dần phát triển, và các ngân hàng đang từng bước nhìn nhận đây là cơ hội để cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Tại Việt Nam, để hiện thực hóa tiềm năng của ngân hàng mở, cần có sự hợp tác vượt ra ngoài phạm vi các ngân hàng, bao gồm cả sự tham gia của chính phủ và các nền tảng tài chính nhằm xây dựng một hệ sinh thái gắn kết. Dù còn nhiều thách thức, các case study rõ ràng cùng với mối quan hệ đối tác chặt chẽ sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển này.