Cụ thể, trên trang web sản phẩm Azure Stack của Microsoft, logo Huawei vẫn còn hiện diện nhưng công ty và các dịch vụ của hãng này đã bị xóa khỏi danh mục sản phẩm.
Huawei đang là một trong số các nhà cung cấp phần cứng trong dây chuyền sản xuất máy chủ và thiết bị cho sản phẩm Azure Stack - nền tảng giúp các công ty chạy được các ứng dụng phần mềm trên dịch vụ đám mây lai hoặc trong trung tâm dữ liệu của riêng họ.
Ông Frank Shaw - người phát ngôn của Microsoft đã từ chối thảo luận về những hành động mà Microsoft sẽ thực hiện đối với Huawei.
Ở thời điểm hiện tại nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới vẫn chưa có những động thái liệu họ có gỡ bỏ giấy phép của Huawei trong việc sử dụng hệ điều hành Windows hay không.
Mỹ từ lâu cáo buộc Huawei là "công cụ do thám" của chính phủ Trung Quốc, song tập đoàn viễn thông Trung Quốc luôn phủ nhận điều này.
Ngày 15.5, Nhà Trắng đã đưa ra lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông bị coi là rủi ro với an ninh quốc gia, động thái nhắm vào Huawei. Huawei cũng bị cấm mua linh kiện Mỹ nếu không có sự chấp thuận từ Washington.
Trước Microsoft, hàng loạt các ông lớn công nghệ như Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom... đều lần lượt tuyên bố "nghỉ chơi" với Huawei sau lệnh cấm của Mỹ.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là đòn trừng phạt rất mạnh tay của Chính phủ Mỹ đối với Huawei và có thể bóp nghẹt hoạt động sản xuất cốt lõi của công ty Trung Quốc này.
Dù tuyên bố đã chuẩn bị trước cho kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra, nhưng sau đòn trừng phạt này, công ty công nghệ Trung Quốc chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng trong tham vọng chiếm lĩnh cơ sở hạ tầng 5G trên toàn thế giới.
Hiện tại chưa có cuộc gặp gỡ nào giữa Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc về việc chấm dứt thương chiến Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ kì vọng tình hình sẽ sớm thay đổi.