Theo thông tin từ người phát ngôn của Panasonic Joe Flynn, giao dịch của hãng với Huawei bao gồm cung cấp "linh kiện điện tử" tuy nhiên ông từ chối cho biết những loại linh kiện nào bị cấm chuyển giao cho Huawei.
Trên thực tế, Panasonic và một số công ty Nhật Bản cung cấp linh kiện điện thoại sản xuất theo công nghệ Mỹ cho Huawei. Đây là những mặt hàng nằm trong diện cấm chuyển giao theo lệnh trừng phạt tuần trước của Bộ Thương mại Mỹ. Panasonic cho biết sẽ tiếp tục đánh giá xem liệu các sản phẩm khác của tập đoàn này có bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.
Ngoài Panasonic, hãng thiết kế con chip ARM thuộc sở hữu tập đoàn SoftBank và một công ty khác của Nhật Bản cũng tuyên bố dừng cung cấp cho Huawei để tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc
Trước đó, vào ngày 15/5, một Sắc lệnh ký bởi tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là cấm Huawei và một nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông Trung Quốc khác là ZTE bán thiết bị cho Mỹ, cũng như cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho họ. Ngay sau đó, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đưa Huawei vào một "danh sách đen" - danh sách những công ty bị cho là làm gián điệp cho Bắc Kinh - nhằm cấm công ty này giao dịch kinh doanh với các công ty Mỹ.
Ngay sáng 20/5, hãng thông tấn Reuters đưa tin Google đã cắt đứt quan hệ hợp tác, rút giấy phép sử dụng Android của Huawei. Theo đó, các smartphone của Huawei sẽ mất quyền truy cập đến các bản cập nhật dành cho hệ điều hành Android. Các smartphone Android trong tương lai của Huawei cũng sẽ mất quyền truy cập đến các dịch vụ của
Google như kho ứng dụng Google Play, Gmail và YouTube. Ngoài ra, theo hãng tin Bloomberg, ngay sau Google, hàng loạt công ty khác của Mỹ là Qualcomm, Intel, Xilinx và Broadcomm tuyên bố ngưng làm ăn với Huawei.
Sau đó một ngày, nhà sản xuất chip của Đức Infineon Technologies cũng đã dừng xuất xưởng sản phẩm của mình cho Huawei. Infineon vốn là đối tác cung cấp các bộ vi điều khiển và các mạch tích hợp quản lý năng lượng cho Huawei.
Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, hãng ST Microelectronics, một nhà sản xuất chip quan trọng khác của châu Âu, đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp trong tuần này để thảo luận về khả năng có tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei nữa hay không. Còn hãng gia công chip quan trọng của Huawei tại châu Á, TSMC cũng có động thái tương tự.
Trước đó, Huawei nhiều lần bị Chính phủ Mỹ cáo buộc cài đặt “sân sau” trên các sản phẩm của mình, từ đó hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin được gửi và nhận trên thiết bị Huawei. Sáu cơ quan tình báo Mỹ đã lên tiếng cảnh báo công dân nước này không được sử dụng các thiết bị của Huawei và sau đó, sản phẩm của công ty Trung Quốc đã bị cấm sử dụng trong các căn cứ quân sự Mỹ. Huawei phủ nhận mọi cáo buộc này.