Phát triển thành phố thông minh vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực

Tạp chí Nhịp sống số - Việc xây dựng và phát triển các thành phố thông minh đặt ra bài toán lớn về việc tìm kiếm những động lực phát triển mới trong sự biến động không ngừng của kinh tế, xã hội và công nghệ…

Đây là một trong những nội dung chính được đề cập đến tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, khai mạc sáng nay tại Hà Nội và sẽ diễn ra trong 2 ngày (02 – 03/12/2024). Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội tổ chức.

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị Xanh và Thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng đó, Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành. Theo thống kê, đến nay đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh. Trong đó, 14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án...

Phát triển thành phố thông minh vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực
Ông Hà Minh Hải – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội

Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố/thị xã/quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Minh Hải – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội – nhấn mạnh: "Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á 2024” không chỉ là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, mà còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững".

Phát triển thành phố thông minh vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực

Theo ông Hà Minh Hải, với chủ đề xuyên suốt: “Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”, Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 không chỉ gắn với ba mục tiêu chiến lược mà còn phản ánh những trụ cột chính trong tầm nhìn chiến lược, “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu“ trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực.

"Sự kiện hôm nay chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch, và môi trường bền vững… Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn được chia sẻ tại hội nghị sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương trong khu vực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững".

Tìm động lực phát triển mới cho kinh tế đô thị

Theo thống kê, đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của Châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ…

Chia sẻ các thông tin này tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - nhận định: "Tôi cho rằng, Kinh tế số, Kinh tế xanh, và Công nghệ mới có thể là câu trả lời".

Trong đó, Kinh tế số đòi hỏi thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống; Kinh tế xanh là sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa. Và yếu tố công nghệ mới đến từ những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như Bán Dẫn, AI, Automotive…

Phát triển thành phố thông minh vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA

Thực tế cho thấy, trong vài năm qua, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải đều đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, khung hướng dẫn nhằm thúc đẩy triển khai đô thị thông minh tại các tỉnh thành phố, đô thị trên toàn quốc. Đến nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để ban hành Bộ tiêu chí Đô thị thông minh bền vững phiên bản 01 với 4 mảng: Quy hoạch đô thị thông minh, Quản lý hạ tầng đô thị thông minh, Các tiện ích đô thị thông minh và Nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị thông minh. Các cấp độ thông minh của đô thị được xếp thành 4 cấp độ trong đó Cấp độ 1 gồm 16 tiêu chí, Cấp độ 2 có 32 tiêu chí, Cấp độ 3 có 50 tiêu chí, Cấp độ 4 có 60 tiêu chí.

Chia sẻ tại Hội nghị về Các đô thị thông minh, bền vững khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Phó giáo sư Nguyễn Quang Trung đã đại diện nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT, trình bày các kết quả nghiên cứu về thành phố thông minh và bền vững (SSC) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, nghiên cứu này đã chỉ ra sự chênh lệch rõ rệt trong phát triển đô thị thông minh và bền vững tại APAC. Singapore, Seoul, Sydney và Tokyo là những thành phố dẫn đầu nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiệu quả và có sự tham gia tích cực của người dân. Trong khi đó, các thành phố như Jakarta, Manila và TP. Hồ Chí Minh cần phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực, điều này đòi hỏi ưu tiên phát triển SSC và triển khai các hệ thống quản trị thông minh.

Theo nghiên cứu, khu vực APAC thiếu khoảng 500 tỉ đô la Mỹ mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng và tích hợp công nghệ số vào giao thông, năng lượng và dịch vụ công. Thiếu hụt này khiến hợp tác công-tư (PPP) trở thành giải pháp cấp thiết, khi chỉ 16% thành phố toàn cầu đủ khả năng tự tài trợ cho các dự án SSC. Các SSC đang chuyển sang giai đoạn phát triển thứ 3, tập trung vào sự tham gia tích cực của xã hội thay vì chỉ dựa vào chính phủ hay đơn thuần dựa vào các giải pháp công nghệ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu kêu gọi xây dựng khung chính sách linh hoạt để tích hợp công nghệ mới, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và phát triển nền quản trị thông minh.

Theo PGS Nguyễn Quang Trung, việc học hỏi từ các thành phố như Singapore, Seoul và Sydney là hướng đi quan trọng. Các thành phố này đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý giao thông, tối ưu hóa năng lượng và dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy hiệu quả kinh tế…

Đề án “XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI THÔNG MINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” được đặt ra với các mục tiêu, tầm nhìn:

• Phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại” vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

• Hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng TPTM bền vững

• Xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả

• Xây dựng nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh

• Đào tạo và tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết, chất lượng cao

Trong đó 3 lĩnh vực trọng tâm của Thành phố là: Giao thông đô thị, Bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá, du lịch, Bảo vệ môi trường nước, không khí

Để triển khai Đề án 1 cách hiệu quả, Hà Nội cũng đã ban hành CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030. Theo kế hoạch, ngày 6/12, Hà Nội sẽ khai trương Trung tâm dữ liệu tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc với cách tiếp cận hợp tác công tư, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để vừa tăng cường hiệu quả và tối ưu chi phí đầu tư. Đây là Trung tâm dữ liệu của 1 thành phố đầu tiên của cả nước áp dụng mô hình này.

Có thể bạn quan tâm