Quảng cáo xuyên biên giới: Phải đáp ứng đầy đủ điều kiện

Tạp chí Nhịp sống số - Quảng cáo xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, an ninh mạng và thuế.
Digital Marketing

Doanh thu khủng, nhưng vi phạm tràn lan

Báo cáo Digital Marketing của We Are Social năm 2024 cho thấy, tổng chi phí quảng cáo (bao gồm cả online và offline) đầu năm 2024 tại Việt Nam đạt 2,44 tỷ USD, tăng 6,9% so với đầu năm 2023. Trong đó, quảng cáo các kênh nội dung số đạt 1,28 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước.

Facebook là doanh nghiệp xuyên biên giới có khoảng 72,7 triệu người dùng và ước tính số người có khả năng nhìn thấy quảng cáo trên Facebook là 9,8%, tương đương 6,5 triệu người dùng.

Công cụ quảng cáo của Google cũng cho biết, Youtube có khoảng 63 triệu người dùng tại Việt Nam. Trong khi đó, số lượng người dùng Instagram đầu năm 2024 là khoảng 10,9 triệu người. Đặc biệt, Tiktok có khoảng 67,72 triệu người dùng vào đầu năm 2024, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2023, với mức tăng 35,8%.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo thống kê số thu thuế của Bộ Tài chính năm 2023, các nền tảng số xuyên biên giới đã nộp thuế 8.000 tỷ đồng. Có những doanh nghiệp nộp tương ứng 10% doanh thu, có doanh nghiệp tương ứng 5%. Như vậy, chỉ riêng khu vực mạng Internet, nội dung số có doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là doanh nghiệp xuyên biên giới, nhưng chúng ta chỉ thu được phần nhỏ thuế.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới đang tồn tại nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật Việt Nam, như quảng cáo sai sự thật; quảng cáo sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền; quảng cáo cờ bạc, cá độ, cho vay tín dụng đen...

Tình trạng vi phạm trên chủ yếu do hầu hết khách hàng khi quảng cáo chỉ yêu cầu đối tác đảm bảo lượng view, nên một số đại lý quảng cáo chỉ chú trọng lợi nhuận, thay vì kiểm soát nội dung. Bên cạnh đó, bộ lọc quảng cáo vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới còn sơ sài, lỏng lẻo, đặc biệt các nền tảng không chủ động cập nhật website/tài khoản/kênh nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.

Quản chặt quảng cáo xuyên biên giới

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và công bố “Danh sách nội dung đã được xác thực” trên mạng (White List) và khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng xem xét lựa chọn quảng cáo trong “White List” nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh. Đồng thời, Bộ cùng các doanh nghiệp chủ động xây dựng Danh sách nội dung “xấu độc” trên mạng (Black List).

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tạo lập môi trường quảng cáo sạch, ngăn chặn quảng cáo vi phạm. Theo đó, với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài không thông báo thông tin liên hệ theo Nghị định số 70/2021/NĐ-QĐ, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn. Đối với doanh nghiệp không đặt máy chủ tại Việt Nam, Cục sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông xác minh và xử lý nếu có sai phạm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng, nhất là các nền tảng phát hành quảng cáo xuyên biên giới; công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, các nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm, bao gồm website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo. Theo đó, bổ sung quy định tại Điều 23 và Điều 23a quy định về quy trình, biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền, nghĩa vụ và thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan có thẩm quyền; không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật và thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền...

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang dựa vào nền tảng của nước ngoài là chính, nên gây khó khăn trong việc quản lý và gây thất thoát nhiều cho ngân sách của Nhà nước. Một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là cần định danh các tài khoản cá nhân, tổ chức kinh doanh quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội mà không chịu nộp thuế cho Nhà nước. Việc này cần có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước với bộ, ngành liên quan thực hiện.

Còn ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch HĐQT CleverAds cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiết lập một ngành nghề kinh doanh mới, đó là kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới. Doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng về quy mô, cam kết nộp đầy đủ các loại thuế cho Nhà nước. Sau khi có danh sách, cơ quan quản lý tại Việt Nam yêu cầu Google và Facebook lập các tài khoản quảng cáo cho các doanh nghiệp được cấp phép và chỉ các đơn vị này mới được mở tài khoản quảng cáo khi chạy trên các nền tảng nói trên.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số kiến nghị, cơ quan chức năng cần yêu cầu các nền tảng như Google và Facebook cung cấp danh sách các cá nhân hay đơn vị đăng ký quảng cáo trên nền tảng để quản lý. Đồng thời, các cá nhân chạy quảng cáo xuyên biên giới phải có chứng chỉ như trong môi giới bất động sản. Tất cả các đơn vị chạy quảng cáo xuyên biên giới ở Việt Nam phải có giấy phép.

Có thể bạn quan tâm