S-Fone đã không còn tồn tại trên thị trường di động Việt Nam.
Từ năm 2014, Bộ TT&TT đã xem xét thu hồi băng tần trước đây cấp cho S-Fone và vì hai băng tần này "đắp chiếu" nhiều năm nay. Thời điểm đó, Bộ TT&TT chỉ đạo Cục Viễn thông xem xét thu hồi lại băng tần 850 MHz cấp cho S-Fone đã ngừng cung cấp dịch vụ, không hoạt động.
Băng tần 850 MHz cấp cho S-Fone thuộc loại tốt nhất hiện nay và sẽ tạo lợi thế cho nhà mạng nào sở hữu nó. Vì vậy, khi mạng S-Fone không cầm cự nổi trên thị trường thì đã có doanh nghiệp viễn thông “nhòm ngó” băng tần này. Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) nhiều lần lên tiếng rằng S-Fone không đóng phí tần số vài năm nay. Vậy là đủ cơ sở để thu hồi băng tần ngay cả khi S-Fone vẫn hoạt động chứ không phải đến khi S-Fone ngừng hoạt động như hiện nay.
Hơn 12 năm trước đây, một kịch bản cho thị trường viễn thông Việt Nam trong tương lai được các chuyên gia viễn thông dự báo rằng, sau thời gian "trăm hoa đua nở" sẽ trở về đâu đó ở số 3 như một con số chung của nhiều thị trường trên thế giới. Lẽ đương nhiên sau khi không chịu nổi áp lực cạnh tranh sẽ có doanh nghiệp bị phá sản hoặc phải sáp nhập. Thời điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel (lúc đó là Phó Tổng giám đốc Viettel) đã dự báo và lưu ý rằng thị trường viễn thông Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp Nhà nước, vì vậy ngoài yếu tố thị trường còn có ý chí của Nhà nước.
Sau thời gian mở cửa, thị trường viễn thông Việt Nam đã chứng kiến những đại gia viễn thông thế giới "sa lầy" rồi phải chọn giải pháp "tẩu vi thượng sách" như Vimpelcom, SK Telecom. Cuối năm 2011, sau khi không thể gượng nổi, EVN Telecom "chuyển khẩu" sang Viettel sau một quyết định mang tính hành chính và từ ngày 28/12/2011, mạng CDMA của EVN Telecom xây dựng trước đó đã khai tử. Sau khi Vimpelcom "bỏ của chạy lấy người", Gtel mua lại 49% cổ phần của tập đoàn này với giá giá 45 triệu USD và đổi tên mạng Beeline thành Gmobile. Thế nhưng, sau gần 2 năm mua lại 49% cổ phần của VimpelCom thì Gmobile cũng đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn và rất nhiều kịch bản được đặt ra cho mạng di động này.
S-Fone của SPT cũng trong tình trạng "chết nhưng chưa báo tử". Dự án S-Fone không là "con gà đẻ trứng vàng" mà khiến SPT nhiều năm lao đao. Những khoản nợ khổng lồ S-Fone để lại làm cho SPT sống dở chết dở. SPT đang ôm một khoản nợ khổng lồ gồm tất cả các khoản tiền phải đóng cho Nhà nước như phí tần số, kho số, viễn thông công ích.
Kịch bản tái cơ cấu SPT đã được đặt lên bàn cơ quan quản lý. Song phương án tái cơ cấu ra sao chưa được tiết lộ.
Hồi năm 2013, đại diện Cục Viễn thông cho hay, Luật Viễn thông không hạn chế việc gia nhập thị trường, cạnh tranh của các doanh nghiệp. Và trong quá trình cạnh tranh đó, đương nhiên một doanh nghiệp có thể tồn tại hoặc không tồn tại. Tuy nhiên, lĩnh vực viễn thông với đặc thù nhất định vẫn có cửa cho những doanh nghiệp gặp khó. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng và cung cấp dịch vụ ra thị trường, sau khi bị thu hồi giấy phép hoạt động, không đơn giản là họ phải ngừng ngay việc cung cấp dịch vụ. Trước khi ngừng hoạt động hay phá sản, doanh nghiệp cần xây dựng phương án sáp nhập, chuyển sang kinh doanh mạng dịch vụ khác… để tận dụng hạ tầng sẵn có, cung cấp dịch vụ cho người sử dụng bằng nhiều hình thức khác nhau.