Dù cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn vẫn hết sức phổ biến. Thực tế này gây ra không ít bức xúc trong xã hội.
Khi các đại lý chính là nguồn cung SIM rác
Hiện nay, khá phổ biến tình trạng SIM rác vẫn được bày bán công khai, người dân không cần giấy tờ tùy thân vẫn có thể mua để sử dụng một cách dễ dàng. Thực tế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, an ninh và ổn định trật tự xã hội.
Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP không giới hạn số lượng SIM mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng.
Lợi dụng quy định này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký thông tin cho hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí vài chục nghìn SIM thuê bao điện thoại di động. Kẽ hở về luật pháp dẫn đến việc không rõ các SIM này hiện đang ở đâu, do ai sở hữu, sử dụng.
Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thời gian qua còn xuất hiện tình trạng doanh nghiệp ủy quyền cho các cá nhân (không rõ có phải nhân viên hay không) ký giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động.
Những hợp đồng giao kết này được thực hiện với tần suất cách nhau vài ba ngày/lần. Mỗi giao dịch thành công, doanh nghiệp sẽ nắm trong tay vài ba trăm SIM để sử dụng.
Thậm chí, các chủ đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông còn trực tiếp dùng chứng minh nhân dân, thẻ căn cước của mình đăng ký thông tin thuê bao cho hàng trăm SIM. Mỗi khi bị cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, các đối tượng này lại khai báo mất.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng các doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng với các cá nhân bên ngoài để làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền lại ký tiếp hợp đồng với các doanh nghiệp, cá nhân khác để đăng ký thông tin thuê bao. Thực tế này dẫn đến tình trạng đăng ký thông tin thuê bao hiện hết sức lỏng lẻo.
Bộ TT&TT thanh tra đồng loạt việc buôn bán SIM
Trước thực trạng này, Bộ TT&TT vừa có văn bản chỉ đạo các Sở TT&TT 63 tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng quản lý thị trường tiến hành thanh tra diện rộng việc quản lý thông tin thuê bao di động trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó các Sở TT&TT sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán SIM điện thoại trái pháp luật trên địa bàn.
Đợt thanh tra việc bán SIM trên toàn quốc sẽ được triển khai bắt đầu từ tháng 10/2019. Trong khoảng thời gian này, Bộ TT&TT cũng đã có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Công an, Bộ Công thương cùng phối hợp chỉ đạo đợt thanh tra.
Trước đó, Bộ TT&TT đã ra được một cơ chế mới về quản lý SIM rác. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ gắn trách nhiệm trong việc xử lý SIM rác với Chủ tịch và Tổng giám đốc các nhà mạng. Đến lần vi phạm thứ 3, Bộ TT&TT sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý hành chính đối với lãnh đạo các nhà mạng.
Bộ TT&TT cũng đã đề ra cơ chế, nếu không xử lý được SIM rác, sẽ không cấp phép dịch vụ mới cho các nhà mạng, đặc biệt là với dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money).
Cơ chế quản lý mới của Bộ TT&TT sẽ đánh trực tiếp vào lợi ích của chính các nhà mạng. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện ra SIM rác, nhà mạng sẽ không được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mobile money.