Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để thúc đẩy phát triển đô thị thông minh

Tạp chí Nhịp sống số - Thể chế và cơ sở dữ liệu về đô thị thông minh chưa xuyên suốt là hai điểm nghẽn chính trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 diễn ra tại Hà Nội trong ngày 2-3/12/2024, các chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu đã cùng nhau thảo luận xây dựng giải pháp đột phá.

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024

Với chủ đề xuyên suốt “Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”, hội nghị lần này không chỉ gắn với ba mục tiêu chiến lược mà còn phản ánh những trụ cột chính trong tầm nhìn chiến lược, “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu“ trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực.

Vai trò kiến tạo của Nhà nước

Trong phiên thảo luận chuyên đề “Thành phố thông minh: Quản trị, điều hành linh hoạt dựa trên dữ liệu”, ông Hồ Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT), cho biết: Đô thị thông minh là sự hội tụ của nhiều công nghệ đột phá gần đây, như Internet vạn vật (IoT), truyền dẫn (5G), đám mây, dữ liệu lớn hay trí tuệ nhân tạo (AI). Đô thị thông minh không còn là khái niệm mới với nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Việc triển khai đô thị thông minh ở Việt Nam đã được thí điểm tại các bộ, ngành và địa phương trong khoảng 5 năm qua. Theo thống kê, hiện có khoảng 45 địa phương đã triển khai thí điểm thành phố thông minh, và có khoảng 60 địa phương đã triển khai ít nhất một ứng dụng thuộc lĩnh vực đô thị thông minh”, ông Thắng nói.

Theo đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam đang gặp một số thực trạng và thách thức như thu thập, quản lý dữ liệu còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, nhận thức và năng lực của các bên tham gia chưa đồng đều. Song, một trong những điểm nghẽn cần giải quyết từ góc độ quản lý nhà nước là tạo ra thể chế, cơ chế cho đô thị thông minh phát triển.

“Các đô thị thường có sự ‘ngại ngùng’ khi triển khai công nghệ mới. Bởi vậy, Nhà nước cần có cách thức hỗ trợ và thúc đẩy triển khai công nghệ mới bằng các cơ chế thí điểm có kiểm soát tại các địa phương”, ông Thắng cho biết.

Để giải quyết điểm nghẽn này, ông Thắng cho rằng, thời gian tới vai trò của Nhà nước “sẽ chuyển dịch từ cầm tay chỉ việc sang kiến tạo, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, trong đó trước mắt là các vấn đề về thể chế liên quan đến thị trường dữ liệu - do việc nắm giữ dữ liệu sẽ giúp kiểm soát các nền tảng và ứng dụng quan trọng”.

Thay đổi tư duy phát triển đô thị thông minh

Cũng tại phiên thảo luận, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cho biết: Để thích ứng với chuyển đổi số, cần thay đổi nội tại, cũng như cần xóa bỏ tư tưởng và quan điểm cho rằng chuyển đổi số sẽ gặp khó khăn do những vấn đề pháp lý. Trong đó, cần có lộ trình cụ thể để từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuyển đổi số, trước khi “bồi đắp, xây dựng và hoàn thiện từng mảnh ghép theo lộ trình để tạo thành một bức tranh tổng thể, hoàn thiện”.

Theo Thượng tá Vĩnh, các điểm nghẽn là bài toán chung của tất cả các tỉnh thành, bộ, ngành. Chẳng hạn, hầu hết các bộ, ngành chưa tạo lập được cơ sở dữ liệu dùng chung, từ đó người dân ở các địa phương không được hưởng lợi từ tài nguyên này.

Đồng tình với nhận định trên, ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ Khoa học & Công nghệ) đề nghị: “Cần quan tâm đến việc liên thông dữ liệu giữa các hạ tầng, không chỉ ở cấp thành phố mà còn ở cấp quốc gia, giữa các tỉnh thành với nhau”.

Ông Long cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế thử nghiệm khi triển khai các hạ tầng số, trong đó cơ chế thử nghiệm cần có sự đồng thuận không chỉ của thành phố mà cả ở Trung ương.

Cũng tại phiên thảo luận chiều ngày 2/12, đại diện Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể tại địa phương trong quản trị, điều hành thành phố thông minh dựa trên dữ liệu.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh đến yếu tố quyết tâm của người đứng đầu, triển khai đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng chia sẻ về lộ trình xây dựng đô thị thông minh, bắt đầu từ nền tảng cơ sở dữ liệu và khai thác hiệu quả dữ liệu.

Có thể bạn quan tâm

Lần đầu tiên sang Việt Nam vào ngày 5/12 tới, theo lịch trình, Giáo sư Yoshua Bengio, một trong bốn nhà khoa học đặt nền móng cho sự phát triển của AI thế giới sẽ trực tiếp chia sẻ câu chuyện trách nhiệm AI với 200 chuyên gia công nghệ Việt Nam.