Số lượng chưa song hành cùng chất lượng
Thông tin được đưa ra trong Hội thảo “Nâng cao chất lượng các chương trình liên kết Quốc tế”, do Viện Quản trị & Công nghệ FSB (Đại học FPT) tổ chức ngày 23/8 vừa qua tại Hà Nội. Với sự góp mặt của những chuyên gia giáo dục uy tín và giàu kinh nghiệm, hội thảo đã khắc họa được bức tranh toàn cảnh về nhu cầu và thực tiễn đào tạo các chương trình quốc tế và liên kết quốc tế tại Việt Nam, cũng như chia sẻ những giải pháp hữu ích và thiết thực để nâng cao chất lượng các chương trình này, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Do những yêu cầu tương đối cao về điều kiện đầu vào, năng lực ngoại ngữ cũng như tài chính, việc du học nước ngoài đặt ra không ít rào cản cho sinh viên, học viên...
Năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) có hiệu lực, cho phép đại học trong nước nếu đủ điều kiện tự chủ được tự mở ngành đào tạo và chương trình liên kết mà không cần xin chủ trương và cấp phép. Cơ chế này đã nới rộng cánh cửa và tạo ra những thay đổi đáng kể trong hoạt động hợp tác liên kết quốc tế. Các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới nở rộ nhanh chóng. Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 600 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động, trong đó có 282 chương trình tiến sĩ, 106 chương trình thạc sĩ và 20 chương trình đào tạo đại học. Đứng đầu danh sách các quốc gia liên kết cấp bằng với Việt Nam là Vương Quốc Anh (chiếm khoảng 24,7% số chương trình liên kết), Mỹ (14,5%) và Pháp (13%).
Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng đó lại không song hành cùng chất lượng. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hạn chế đầu tiên là trong việc lựa chọn trường đối tác ở nước ngoài. Hiện có tới 62,71% đại học đối tác của các chương trình liên kết đào tạo không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021). Chất lượng đào tạo của các chương trình này cũng khó kiểm soát hơn so với các chương trình trong nước. Năm 2020, Bộ đã phải rà soát và cho dừng tới gần 200 chương trình liên kết chưa đạt yêu cầu.
Do vậy, việc thúc đẩy các chương trình liên kết quốc tế thật sự chất lượng tại Việt Nam đã đặt ra những bài toán lớn cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia giáo dục, cũng như là mối quan tâm hàng đầu của sinh viên, học viên trong nước.
Minh bạch hóa thông tin là yêu cầu đầu tiên
Tại Hội thảo, các chuyên gia uy tín trong giáo dục đại học như GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Đoàn Thanh Hương (Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT) đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh việc nâng cao chất lượng của mô hình liên kết đào tạo quốc tế.
Qua những chia sẻ của các chuyên gia, có thể thấy một trong những yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo là việc minh bạch hóa thông tin liên kết quốc tế, tránh đánh đồng các chương trình hoặc nhập nhèm thông tin gây hiểu lầm cho học viên, phụ huynh và xã hội.
Bên cạnh đó, các trường đại học trong nước cũng đang nỗ lực lựa chọn những đối tác và chương trình uy tín để hợp tác. Điều này không chỉ giúp “nhập khẩu” thành công giáo trình, giảng viên, hệ kiến thức và kỹ năng chuẩn quốc tế, mà còn góp phần tác động lan tỏa tích cực đến hoạt động đào tạo trong nước như chuẩn hóa chương trình tiệm cận quốc tế, nâng cao năng lực chuyên môn và ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên.
Từ góc độ các trường quốc tế, minh chứng về các tiêu chuẩn lựa chọn đối tác Việt Nam, ông Liam Howarth - Quản lý tuyển sinh của khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Đại học Leeds Beckett - cho biết: “Một trong những lý do quan trọng để Leeds Beckett quyết định chọn Viện Quản trị & Công nghệ FSB - Đại học FPT hợp tác triển khai chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh do Leeds Beckett cấp bằng là FSB có 5 chi nhánh tại các thành phố trọng điểm của Việt Nam (trong đó có Hà Nội và Hồ Chí Minh); đồng thời họ xếp hạng trong top 3 các trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam”.
Như vậy, việc "chọn bạn mà chơi" giữa các trường liên kết đào tạo cần có những tiêu chí minh bạch và nghiêm túc từ 2 phía. Đồng thời, cần cung cấp thông tin đầy đủ với tính xác tín và cam kết cao để các học viên, sinh viên có căn cứ lựa chọn.
Ông Liam Howarth cũng cho biết, khi tham gia Chương trình đào tạo MBA liên kết quốc tế Leeds Beckett, học viên sẽ được trang bị kiến thức quản trị hiện đại, giàu thực tiễn với góc nhìn từ tổng quan đến chi tiết đối với từng bài toán quản trị doanh nghiệp. Học viên có thể học toàn bộ trong nước, hoặc lựa chọn học một phần tại Việt Nam sau đó chuyển tiếp sang Anh để hoàn thành khóa học. Thời gian đào tạo linh hoạt, chi phí hợp lý cùng cơ hội nhận học bổng lên đến 50% tương đương khoảng 200 triệu đồng giúp học viên tối ưu tài chính, mở rộng cơ hội học tập cho mọi đối tượng học viên. Kết thúc khóa học kéo dài tối đa 18 tháng, học viên được nhận bằng do Đại học Leeds Beckett cấp, có giá trị toàn cầu.