Kể từ năm 2019, TikTok đã bắt đầu công bố các Báo cáo Minh bạch với các số liệu mới, khai thác dữ liệu sâu hơn cùng hướng tiếp cận tiên phong trong ngành, chẳng hạn như số lượng tài khoản bị xóa vì nghi ngờ dưới độ tuổi quy định hay số lượng quảng cáo bị từ chối do không đáp ứng tiêu chuẩn của TikTok.
Theo đại diện TikTok, Báo cáo Minh Bạch của nền tảng này bao gồm: Báo cáo Thực thi Tiêu chuẩn Cộng đồng; Báo cáo Yêu cầu cung cấp thông tin công bố dữ liệu hai năm một lần (về các yêu cầu pháp lý trong việc cung cấp thông tin người dùng của Chính phủ và các cơ quan hành pháp cũng như những phản hồi từ TikTok); Báo cáo Yêu cầu xóa của Chính phủ (nêu chi tiết về các yêu cầu xóa hoặc hạn chế nội dung của Chính phủ mà TikTok nhận được mỗi hai năm và phản hồi của TikTok); Báo cáo Yêu cầu xoá do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tiếp thu các phản hồi từ tổ chức xã hội dân sự và các chuyên gia, TikTok liên tục cập nhật định dạng của các báo cáo, đồng thời cho phép tải dữ liệu ở dạng thuật ngữ máy tính. Ngoài ra, TikTok còn bổ sung vào báo cáo bằng những hình ảnh, biểu đồ và đồ thị tương tác để minh họa các dữ liệu, hoạt động của TikTok một cách trực quan và sinh động hơn.
Theo TikTok, các báo cáo sẽ được dịch sang 26 ngôn ngữ khác nhau, gồm tiếng Ả Rập, tiếng Indonesia, tiếng Mã Lai, tiếng Bengal, tiếng Miến Điện, tiếng Đan Mạch, tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Do Thái, tiếng Ý, tiếng Nhật, tiếng Khmer, tiếng Hàn, tiếng Na Uy, tiếng Ba Lan, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Thụy Điển, tiếng Thái, tiếng Trung, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Nga, tiếng Urdu và tiếng Việt.
Trung tâm Minh bạch được thiết kế để trở thành nơi lưu trữ mọi thông tin về cách TikTok kiểm soát, đề xuất nội dung, phát triển sản phẩm và bảo mật thông tin người dùng.
Thông qua những cập nhất mới, TikTok cam kết bảo vệ sự an toàn của người dùng trên nền tảng và sẽ tiếp tục cải tiến để duy trì một môi trường sáng tạo lành mạnh, thân thiện cho cộng đồng.