Theo thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo, đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cung cấp dịch vụ tài chính ở quy mô toàn cầu.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, doanh thu khai thác mới bảo hiểm nhân thọ chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 (so với mức tăng cùng kỳ 2018 là 20%). Lợi nhuận hoạt động tài chính của hệ thống DNBH giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2019.
Diễn đàn Dịch vụ Tài chính và Hội thảo Future Banking năm 2020 được tổ chức theo hình thức hội thảo truyền hình trực tuyến bán tập trung. Theo đó, các lãnh đạo, diễn giả, khách VIP tiêu biểu, chuyên gia cao cấp, truyền thông báo chí sẽ tập trung trình bày tham luận, trao đổi, đối thoại tại khán phòng trung tâm. Toàn bộ chương trình được truyền hình trực tuyến đến tất cả các thành phần khách tham dự hội thảo và được livestream trên fanpage IDG Vietnam Public Sector. |
Ở tầm quốc tế, các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí trong ngày 6/3, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã phải tạm đóng cửa. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của chính phủ các quốc gia, một trong những giải pháp mang tính nền tảng mà các tổ chức tài chính ứng dụng để thoát khỏi suy thoái, khủng hoảng đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số hoạt động cung ứng dịch vụ của mình.
Trong bối cảnh đó, với chủ đề: “Phát triển các dịch vụ bảo hiểm; kinh doanh chứng khoán trên nền tảng số và hiện thực hóa mô hình “Ngân hàng mở” – giải pháp giúp các tổ chức tài chính vượt qua khó khăn do dịch Covid-19”, chuỗi sự kiện Diễn đàn Dịch vụ Tài chính và Hội thảo Future Banking 2020 là nơi các chuyên gia Tài chính – Chứng khoán, chuyên gia tư vấn cùng thảo luận, đánh giá và đề xuất các mô hình, giải pháp phát triển dịch vụ kinh doanh chứng khoán tại thị trường Việt Nam; đồng thời giới thiệu các thành tựu công nghệ thông tin mới nhằm hiện đại hóa ngành kinh doanh chứng khoán, nâng cao hiệu quả hoạt động, mức độ minh bạch và giảm thiểu rủi ro…
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tài chính – ngân hàng là lĩnh vực được đầu tư công nghệ thông tin và số hóa mạnh mẽ nhất tại Việt Nam, do áp lực cạnh tranh và cung cấp những dịch vụ tiện ích cho khách hàng trong xu hướng người dùng thiết bị thông minh ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, năm 2020, ngành tài chính - ngân hàng lại bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, biểu hiện rõ nét nhất của sự khó khăn là cổ phiếu từng ngành cũng giảm mạnh, giá cổ phiếu ngân hàng giảm 22,4%, giá cổ phiếu ngành chứng khoán giảm 28% và cổ phiếu ngành bảo hiểm giảm 35,2%.
Nhận định về bối cảnh chung, ông Trần Thăng Long - Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) - cho biết: Hiện, số lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam mới chỉ có hơn 2,5 triệu, tương đương khoảng 2,5% dân số. So với tỷ lệ này tại châu Á là từ 15%-30% và tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu là khoảng 50%-60% dân số thì vẫn còn rất nhỏ. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai của thị trường chứng khoán và cũng là cơ hội cho nhà đầu tư sớm phân bổ tài sản vào chứng khoán. Xét về góc nhìn ngắn hạn, trong 2 tháng qua đã có gần 70.000 tài khoản mở mới, tăng hơn gấp đôi so với trung bình 1 tháng thời gian trước dịch. Việt Nam cũng không phải trường hợp cá biệt, tại Ấn Độ, chỉ trong tháng 3,4 đã có tới 1,2 triệu tài khoản mở mới. Điều này được giải thích trong thời gian các quốc gia thi hành giãn cách xã hội, người dân có thời gian để tìm hiểu các hoạt động đầu tư khác so với công việc của mình.
Bên cạnh đó, sự phát triển với tốc độ chóng mặt của các công nghệ số mới đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của xã hội loài người, tạo cơ hội cho các quốc gia và doanh nghiệp vươn lên. Chuyển đổi số cũng đưa đến nhiều thách thức cũng như cơ hội trong từng lĩnh vực. Đối với các công ty chứng khoán, có thể kể đến các thách thức như: Thách thức về đầu tư, quá trình chuyển đổi số gắn liền với chiến lược, đồng thời với ngân sách đầu tư; thách thức về nhân lực, thiếu lao động có kỹ năng phù hợp; thách thức từ hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp với thời đại số...
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia cũng thảo luận về mô hình ngân hàng mở. Trên thế giới, từ năm 2015, việc phát triển ngân hàng mở đã được chú trọng tại hầu hết các quốc gia phát triển, từ Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nam Á, Đông Nam Á... và đây đã trở thành một xu thế tất yếu của ngành ngân hàng. Tại Việt Nam, các ngân hàng tuy chưa chính thức triển khai ngân hàng mở nhưng cũng đã nhận thức được tiềm năng, xu hướng xây dựng hệ sinh thái này. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 tác động mạnh đến thói quen chi tiêu cũng như hình thức thanh toán của người dân thì yêu cầu phát triển ngân hàng mở nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính, nâng cao trải nghiệm khách hàng lại càng trở nên cấp thiết, thậm chí, nhiều ngân hàng xác định rằng chỉ khi phát triển thành công mô hình ngân hàng mở thì mới thực sự tạo ra lợi thế cạnh tranh cho đơn vị.
Tại sự kiện, song song với Diễn đàn Dịch vụ Tài chính và Hội thảo Future Banking, IDG Việt Nam cũng công bố Giải thưởng Dịch vụ Tài chính tiêu biểu năm 2020. Đây là năm đầu tiên, giải thưởng được tổ chức nhằm tìm kiếm, tôn vinh những công ty kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ bảo hiểm đã ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cung cấp các dịch vụ tài chính sáng tạo, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Công nghệ sẽ thúc đẩy sự tham gia của nhiều nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán (Ông Trần Thăng Long - Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
Rất nhiều người ngạc nhiên khi trong dịch Covid – 19, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản chứng khoán tăng vọt hơn 2 lần, đạt gần 70,000 tài khoản mở mới trong tháng 3 và 4, ngay trong khi các hoạt động kinh tế đình trệ. Việt Nam cũng không phải trường hợp cá biệt, ở Ấn Độ, chỉ trong tháng 3,4 đã có tới 1,2 triệu TK mở mới. |