Theo CNBC, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp chip khi những công ty công nghệ lớn như Huawei bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ các công ty Mỹ.
Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc vẫn cần ít nhất một thập kỷ nữa để có thể bắt kịp với công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc phát triển thành công ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình thì các công ty Mỹ, vốn đang thu lợi lớn từ ngành công nghiệp này, sẽ bị tổn thương rất nhiều.
Sự thúc đẩy từ chính phủ Trung Quốc
Bắc Kinh nhấn mạnh ngành công nghiệp bán dẫn là những lĩnh vực chính trong kế hoạch “Made in China 2025”. Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 40% chất bán dẫn mà họ sử dụng vào năm 2020 và 70% vào năm 2025. Điều đó được hỗ trợ bởi số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỷ đô la từ Bắc Kinh vào ngành công nghiệp này. Chính phủ còn quyết định miễn thuế trong vòng 5 năm cho các công ty bản địa sản xuất chất bán dẫn, thiết bị bán dẫn và công ty phát triển phần mềm.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), chỉ 16% chất bán dẫn được sử dụng tại Trung Quốc do nước này sản xuất. Và cũng chỉ có một nửa trong số đó là được sản xuất bởi các công ty nội địa. Điều đó có nghĩa, Trung Quốc đang hoàn toàn phụ thuộc vào các ông lớn công nghệ đến từ Mỹ.
Tuy nhiên, sự giúp đỡ từ Bắc Kinh đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc bắt tay vào làm việc. Huawei đã có chip xử lý Kirin cho điện thoại thông minh của hãng cũng như thiết bị modem 5G cho phép kết nối với thế hệ mới nhất của mạng di dộng.
Một số công ty lớn khác như Xiaomi cũng đang phát triển chip có thể cung cấp năng lượng cho các sản phẩm trí thông minh nhân tạo (AI) hay Alibaba đặt mục tiêu sẽ sản xuất chip AI do công ty tự phát triển trong nửa cuối của năm 2019.
Theo báo cáo từ trang semi.org, Trung Quốc là nước có nhiều các kế hoạch về việc xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn nhất thế giới trong giai đoạn 2017 – 2020.
Các công ty Mỹ sẽ cảm thấy sức nóng
Đã có một số công ty Mỹ lo lắng về việc Huawei nằm trong danh sách đen của Washington. Trong báo cáo tài chính năm vừa rồi, Qorvo - nhà sản xuất các sản phẩm tần số vô tuyến - cho biết doanh thu kiếm được từ Huawei và các chi nhánh của hãng này chiếm 469 triệu USD, tương đương 15% tổng doanh thu của công ty. Công ty này cũng đã hạ triển vọng doanh thu trong năm nay do lệnh cấm Huawei của Mỹ.
Lumentum, một nhà cung cấp khác của Huawei, cho biết doanh số bán hàng cho công ty Trung Quốc chiếm 18% tổng doanh thu trong quý 1/2019. Lumentum cũng điều chỉnh dự báo doanh thu thấp hơn trong quý tiếp theo.
Theo Gu Wenjun, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu ICWise (Trung Quốc), sự phát triển của các công ty Trung Quốc có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các công ty Mỹ. Trung Quốc sẽ xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc để tạo ra hệ sinh thái bán dẫn riêng, nơi Mỹ sẽ chỉ góp phần nhỏ.
“Nếu Mỹ ngăn chặn ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trong thời gian dài, sẽ thúc đẩy Trung Quốc tạo ra một hệ sinh thái khác, nơi Mỹ không còn là người thống trị. Điều này sẽ gây bất lợi lâu dài cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ”, Gu cho biết.