Đây là số liệu vừa được Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 của Cục chiều qua (21/12).
Hiện, Việt Nam có 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động; 72 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông và 63 DN được cấp phép cung cấp dịch vụ Internet. Tuy nhiên, số thuê bao Internet chủ yếu thuộc các doanh nghiệp lớn, như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, NetNam,…
Báo cáo cũng cho biết, các doanh nghiệp viễn thông và Internet tại Việt Nam tiếp tục có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Vấn đề giá cước, khuyến mại tiếp tục là “chủ đề nóng” của năm, do tính đa dạng, phức tạp của các loại hình gói cước, hình thức khuyến mại….
"Cục đã theo sát biến động thị trường để kịp thời ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh như giảm cước, khuyến mại không đăng ký, thông báo; bù chép dịch vụ để lôi kéo khách hàng. Cục cũng phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời đề xuất điều chỉnh quy định quản lý để giảm thiểu việc lách luật, gây mất ổn định thị trường, lãng phí đầu tư trong dịch vụ viễn thông như dịch vụ FTTH", báo cáo của Cục Viễn thông nêu rõ.
Trước đó, tính đến hết tháng 6/2015, Việt Nam đã có 45,5 triệu người dùng Internet, đạt tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng Internet là 48%, xếp thứ 6 trong khu vực châu Á về số lượng người dùng, sau Trung Quốc (674 triệu), Ấn Độ (354 triệu), Nhật Bản (114,9 triệu), Indonesia (73 triệu), Philippines (47,1 triệu) và đứng thứ 17/20 quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất thế giới.
Cũng trong báo cáo của Cục, Việt Nam hiện có hơn 120,6 triệu thuê bao di động, với tỷ lệ 133 thuê bao di động/100 dân. Số thuê bao điện thoại cố định tiếp tục sụt mạnh, chỉ còn 6,7 triệu thuê bao, tương đương tỷ lệ 7,4 thuê bao/100 dân. Số thuê bao băng rộng cố định đạt hơn 7,3 triệu thuê bao, tức 8 thuê bao/100 dân và 100% xã trong cả nước đã có điện thoại.