Viettel cho biết, nhà mạng này bắt đầu nghiên cứu sản xuất Tổng đài chuyển mạch di động vMSC (Viettel Mobile Switching Center) từ năm 2012.
Sau 5 năm, trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, vào giữa năm 2017, Viettel đã chính thức vận hành sản phẩm vMSC. Trong vòng 6 tháng, Viettel chuyển đổi thành công 10 triệu thuê bao tại Việt Nam (cho chính Viettel) và 01 triệu thuê bao tại Peru (nhà mạng Bitel) sang vMSC của mình.
Tổng đài chuyển mạch di động (Mobile Switching Center - MSC) là hệ thống xử lý nghiệp vụ phức tạp nhất trong mạng viễn thông 2G/3G. Đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới, kết nối vùng mạng truy nhập và vùng mạng dịch vụ, cung cấp các dịch vụ cơ bản cho thuê bao như thoại, tin nhắn… Hiện nay, các tổng đài chuyển mạch di động đang sử dụng trong mạng lưới Viettel được mua từ các đối tác nước ngoài với chi phí cao. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm mạng lõi của các đối tác nước ngoài khi Viettel không làm chủ hoàn toàn công nghệ sẽ có những nguy cơ về an ninh, an toàn dữ liệu, cũng như khó khăn thực hiện tùy biến tính năng sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Đại diện Viettel nhận giải thưởng Top 10 Sao Khuê 2018
Mới đây, sản phẩm vMSC cũng đã vinh dự nhận được giải thưởng Top 10 Sao khuê 2018 do Hiệp hội phần mềm Việt Nam trao tặng.
vMSC do Viettel phát triển có những tính năng ưu việt so với các đối thủ lớn khác trên thế giới như: sử dụng nền tảng lập trình mới, rút ngắn quá trình phát triển và triển khai; Có khả năng lọc và phân tích các bản tin báo hiệu theo từng số điện thoại (MSISDN) cụ thể, không ảnh hưởng đến dịch vụ cũng như năng lực xử lí của hệ thống hay phân tích chất lượng thoại hỗ trợ vận hành khai thác.
Hiện tại trên thị trường sản phẩm MSC tập trung vào 4 nhà cung cấp lớn nhất, bao gồm: Huawei, Ericsson, Nokia, ZTE. Như vậy, việc Viettel triển khai thành công Tổng đài chuyển mạch di động vMSC với dung lượng 10 triệu thuê bao tại Việt Nam và 1 triệu thuê bao tại Peru đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất thành công các sản phẩm “core” của mạng viễn thông.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng nghiên cứu sản xuất của Viettel cho biết, hiện nay, an ninh, an toàn thông tin đã trở thành mối quan tâm lớn của bất kỳ quốc gia nào. Là một tập đoàn Viễn thông CNTT lớn nhất của Việt Nam, Viettel đã xác định cho mình trách nhiệm phải nghiên cứu và sản xuất thành công hạ tầng mạng viễn thông để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ không gian mạng.