Mặc dù chỉ 1/3 số nhà bán hàng được hỏi có tăng trưởng về doanh thu, nhưng kinh doanh bán lẻ 2024 đang có nhiều điểm sáng về những cách thức "chuyển mình" bằng công nghệ, theo khảo sát được Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo công bố mới đây. Theo đại diện Sapo, khảo sát này được thực hiện với 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc
Bán lẻ 2024: Tăng trưởng không đồng đều, nhiều khó khăn dài hạn
Theo kết quả khảo sát của Sapo, chỉ 33% nhà bán hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng. Nhóm này tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (67%), quy mô nhân sự chủ yếu dưới 5 người, có mức doanh thu phổ biến vượt 500 triệu VND/tháng, nhờ tận dụng tốt bán đa kênh và các hình thức quảng cáo trực tuyến.
Đánh giá tổng quan, đây là nhóm bán hàng đa kênh chuyên nghiệp và có chiến lược phát triển kinh doanh rõ ràng, khi chú trọng đầu tư giải pháp để tối ưu hiệu quả quảng cáo, năng suất làm việc của nhân sự và khai thác tối đa doanh thu thông qua việc khuyến khích khách hàng mua thêm hoặc nâng cấp sản phẩm.
Ngành hàng thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm đóng góp tỷ lệ tăng trưởng cao nhất nhờ sức mua ổn định và chương trình khuyến mãi linh hoạt.
Hơn 80% nhóm có doanh thu tăng trưởng đang lạc quan và kỳ vọng thị trường tiến triển tốt trong năm 2025. Nhiều nhà bán hàng có kế hoạch phát triển các chiến lược mới như livestream chốt đơn, mở rộng kinh doanh trên nền tảng xã hội.
So sánh tương quan với kết quả khảo sát trong 6 năm trở lại đây, tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu của năm 2024 cao hơn 2023 nhưng vẫn chưa đạt được con số tích cực như năm 2022 (hình minh hoạ đính kèm). Tăng trưởng không đồng đều trên nhóm kênh bán hàng chính.
Ở phần còn lại của bức tranh bán lẻ 2024, 66% nhà bán hàng nhận định năm 2024 không có sự tăng trưởng, trong đó phần lớn ghi nhận giảm doanh thu từ 10% trở lên. Nhiều nhà bán hàng trong nhóm này chưa tiếp cận hoặc chưa sử dụng các chương trình hỗ trợ tài chính. Họ chú trọng các công cụ báo cáo chi phí và hiệu suất hơn là các giải pháp tự động hóa; hạn chế trong đầu tư quảng cáo và tập trung vào các kênh miễn phí hoặc chi phí thấp. Nhóm này có xu hướng thận trọng trong kế hoạch 2025, trong đó 30% ưu tiên duy trì hoạt động tương đương 2024 và chưa mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh.
Hợp kênh toàn diện vẫn là chiến lược tối ưu
Theo khảo sát của Sapo, hiện 55,7% nhóm nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu đang áp dụng mô hình đa kênh, với doanh thu phần lớn nằm trong khoảng 200 triệu - 1 tỷ đồng/tháng. Điều này cho thấy chiến lược đa kênh là yếu tố quan trọng giúp bán lẻ đạt mức tăng trưởng cao, tiếp cận nhiều tệp khách hàng và tối ưu doanh thu.
Khi nói về kỳ vọng công nghệ hỗ trợ kinh doanh, phần lớn nhà bán hàng muốn ứng dụng các tính năng và kết nối các phần mềm hiệu quả hơn nhằm tối giản công tác vận hành, tạo ra trải nghiệm đồng nhất cho người mua hàng và tăng doanh thu bền vững. Có thể thấy, họ muốn hợp nhất các kênh bán hàng trên một hệ thống quản trị duy nhất, hướng tới hợp kênh toàn diện và chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ để tối ưu hóa trải nghiệm.
Bà Lê Thị Dung - Giám đốc Tăng trưởng, Sapo - chia sẻ: "Nhà bán hàng cần không chỉ hiện diện đa kênh mà còn tích hợp sâu giữa các kênh, lấy người mua làm trung tâm để tạo trải nghiệm liền mạch, nâng cao cạnh tranh và doanh thu. Hợp kênh giúp tập trung dữ liệu khách hàng để xây dựng chương trình loyalty, tăng tỷ lệ mua lại và tối đa hóa doanh thu. Quản lý bán hàng hợp kênh là xu thế tất yếu của ngành bán lẻ."
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của các hình thức bán hàng trực tuyến trong năm 2024 vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Cạnh tranh gay gắt đến từ các sàn TMĐT quốc tế gia nhập vào thị trường (Temu, Shein) hay thông quan trực tiếp về Việt Nam (Taobao Alibaba) đã khiến áp lực với nhóm bán thương mại điện tử càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Mặt khác, các phí nền tảng kinh doanh trên sàn đã tăng hơn so với các năm trước, đi kèm với đó là thuế được quản lý chặt chẽ hơn, nhà bán hàng đối mặt với thách thức trong việc tối ưu chi phí vận hành để đảm bảo được lợi nhuận. Cuộc canh tranh khốc liệt về giá đang có xu hướng giảm nhiệt, thay vào đó các nhà bán hàng bắt đầu có xu hướng kinh doanh bền vững để đảm bảo lợi nhuận. Luật quản lý thuế mới được Quốc hội thông qua về việc yêu cầu các sàn TMĐT nộp thuế thay cho nhà bán hàng được dự đoán sẽ giảm bớt gánh nặng thủ tục, mở ra một cơ chế minh bạch và đơn giản hơn.
AI đã trở thành công cụ không thể thiếu
Từ việc phân tích dữ liệu khách hàng, tư vấn sản phẩm tự động, đến tối ưu quảng cáo và chiến dịch tiếp thị, AI giúp các nhà bán lẻ tăng hiệu quả và nâng cao lợi nhuận.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Công nghệ (CIO) của Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo, nhấn mạnh: "Đầu tư vào các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là phần mềm quản lý bán hàng tích hợp AI, là yếu tố then chốt để tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao hiệu suất kinh doanh. Công nghệ AI không chỉ tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại mà còn cung cấp khả năng phân tích dữ liệu sâu, dự đoán xu hướng và tối ưu hóa chiến lược bán hàng. Đặc biệt, việc đào tạo đội ngũ bán hàng để khai thác hiệu quả những lợi ích của AI sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra sự đột phá trong kinh doanh và đạt được những thành công vượt trội."
Để các nhà bán lẻ bắt nhịp nhanh chóng với thị trường và đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, các chuyên gia từ Sapo cũng đưa ra một số khuyến nghị.
Cụ thể, nhà bán hàng nên cân nhắc giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô và khả năng tài chính, đồng thời dễ dàng mở rộng tính năng khi cần thiết. Nhu cầu tất yếu của phần lớn nhà bán hàng là tích hợp các hệ thống công nghệ lên phần mềm quản lý bán hàng, từ CRM quản lý thông tin khách hàng hay quản lý hoá đơn điện tử đến quản lý nhân sự, chấm công, tính lương.
Cùng đó, thay vì chạy theo các chương trình chăm sóc khách hàng tốn kém, nhà bán hàng có thể triển khai các hình thức khuyến mại nhỏ như giảm giá theo combo sản phẩm hoặc tặng quà đi kèm chi phí thấp. Những chương trình đơn giản nhưng nhắm đúng nhu cầu khách hàng có thể làm tăng tần suất mua sắm đáng kể.
Ngoài ra, cần tăng cường khai thác thương mại xã hội (social commerce) để giảm áp lực thuế phí, sáng tạo nội dung, tận dụng các nguồn quảng bá chi phí thấp.