Phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân giàu có, hạnh phúc hơn

Tạp chí Nhịp sống số - Mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số và xã hội số Việt Nam là làm cho người dân giàu có hơn, hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số.

Đưa các nền tảng số hiện diện trong từng hộ gia đình

Ngày 14/9, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất tại thành phố Nam Định, với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình”.

Phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân giàu có, hạnh phúc hơn
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc và các đại biểu tham quan triển lãm giải pháp công nghệ bên lề diễn đàn. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Phiên cấp cao của diễn đàn vào sáng ngày 14/9 có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; nhiều đại biểu cấp cao đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; cùng đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về chủ đề “Đưa nền tảng số đến hộ gia đình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, tên gọi của diễn đàn thể hiện mục tiêu, cách làm của Việt Nam trong chuyển đổi số. Đó là mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số và được tham gia, thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số.

Diễn đàn về phát triển kinh tế số và xã hội số, song mối quan tâm không chỉ nằm ở vấn đề công nghệ. Mục tiêu của phát triển kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn. Mục tiêu của phát triển xã hội số là làm cho người dân hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số. “Đây là mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam. Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, phải được sử dụng một cách đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người”, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh.

Trao đổi tại phiên cấp cao, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Bộ TT&TT đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phát triển kinh tế số, đồng thời cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức để đạt được những mục tiêu cao đã đề ra.

Phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân giàu có, hạnh phúc hơn
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên cấp cao của diễn đàn. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, tuy kết quả đạt được thời gian qua của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là rất tích cực, song thực tiễn phát triển kinh tế số, xã hội số vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, làm sao đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP.

Ban Kinh tế Trung ương nêu ra 6 nội dung trọng tâm mà ngành TT&TT và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần tập trung, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số; ưu tiên nguồn lực và có chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh và công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam; coi phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia...

Khẳng định vai trò to lớn của kinh tế số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%.

Bộ TT&TT được Chính phủ giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Theo ước tính, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 15%. “Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược đã đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần so với tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được”, Bộ trưởng chỉ rõ.

‘Học hỏi lẫn nhau vẫn là yếu tố quan trọng nhất’

Nhấn mạnh rằng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các doanh nghiệp công nghệ số muốn thành công thì phải am hiểu bối cảnh Việt Nam.

“Bài toán Việt Nam sẽ tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam, tạo ra cách tiếp cận Việt Nam. Việt Nam phải đi con đường Việt Nam. Và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta có cơ hội tiến lên đi đầu. Đi con đường người khác thì cũng mãi sẽ chỉ là người theo sau. Một lý luận về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam là có ý nghĩa quyết định. Chúng ta phải đặt mục tiêu xây dựng lý luận này”, Bộ trưởng khẳng định.

Phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân giàu có, hạnh phúc hơn
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Học hỏi lẫn nhau vẫn là yếu tố quan trọng nhất". (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trên cơ sở nêu ra hình dung về kinh tế số, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Phát triển kinh tế số Việt Nam thì cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số và niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.

Phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân giàu có, hạnh phúc hơn
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng công bố chương trình hành động của diễn đàn.

Phát triển kinh tế số Việt Nam dựa trên 3 trụ cột gồm: Quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; phát triển các các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là công nghiệp là ICT chiếm 20-30% và còn lại 70-80% là kinh tế số ngành, được sinh ra là do chuyển đổi số các ngành.

“Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là mới đối với tất cả chúng ta, là mới đối với cả nhân loại. Không ai dám cho mình là người biết tất cả. Vậy học hỏi lẫn nhau vẫn là yếu tố quan trọng nhất”, người đứng đầu ngành TT&TT đặc biệt lưu ý.

Sẽ có công cụ giám sát thực hiện các mục tiêu kinh tế số

Cùng với việc điểm qua tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn cũng chỉ ra những khó khăn được ghi nhận từ phản ánh của các địa phương, như: Khó khăn trong giám sát, đo lường; nhiều khái niệm, thuật ngữ và xu hướng mới; vấn đề trăm hoa đua nở chưa có sự liên kết, phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương; hay thiếu nguồn lực triển khai như việc tại địa phương không có chuyên gia kinh tế số.

“Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ TT&TT đã phát triển một công cụ hỗ trợ công tác tổng hợp, giám sát tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, kết nối tới các tỉnh, thành phố, tới mạng lưới chuyên gia tư vấn kinh tế số. Trong tháng 11/2023, Bộ TT&TT sẽ cung cấp công cụ này cho các địa phương”, ông Trần Minh Tuấn chia sẻ.

Phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân giàu có, hạnh phúc hơn
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn cho biết, tháng 11/2023 Bộ TT&TT sẽ cung cấp công cụ để hỗ trợ các địa phương giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế số. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Từ thực tế triển khai cửa khẩu số tại một số địa phương như Lào Cai, Lạng Sơn, Kon Tum và Quảng Ninh, đại diện VNPT cho rằng, việc Việt Nam chưa có nền tảng cửa khẩu số chung để áp dụng cho tất cả cửa khẩu đang khiến việc kết nối, liên thông dữ liệu gặp khó khăn, tốn kém; chưa có cơ chế để liên thông hay chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị; chưa áp dụng được các công nghệ tiên tiến nhất như 5G, IoT, Big Data.

“Chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành đánh giá, phê duyệt và ban hành nền tảng cửa khẩu số quốc gia và triển khai đồng bộ tại mọi cửa khẩu trên toàn quốc; có chủ trương hướng dẫn để mọi đơn vị tham gia xuất nhập khẩu có sự chia sẻ, liên thông kết nối dữ liệu”, đại diện VNPT đề xuất.

Chia sẻ một số kết quả nổi bật trong triển khai hệ sinh thái tài chính số Viettel Money, đại diện Viettel thừa nhận cách mạng hóa nền kinh tế số, thay đổi thói quen hành vi tiêu dùng của người dân không phải điều đơn giản, còn nhiều trăn trở, thách thức. Vì thế, cần có kế hoạch phát triển hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số.

Phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân giàu có, hạnh phúc hơn
Ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số, Ngân hàng Thế giới.

Ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét, kinh tế số đang tăng trưởng mạnh mẽ so với các ngành kinh tế khác. Việt Nam đang có nền tảng vững chắc để ứng dụng số với lượng người dùng Internet cao hơn so với trung bình thế giới, người dùng thiết bị di động 78,6% tương đồng với các quốc gia thu nhập trung bình cao. Dù vậy, số lượng hộ gia đình có máy tính ở nhà còn thấp (28%), chủ yếu nằm ở nhóm thành thị.

Chuyên gia WB khuyến nghị Việt Nam cần nghiên cứu thúc đẩy tri thức người dân với những kỹ năng ở cấp độ cao hơn như sử dụng máy tính với các chức năng cao cấp mà điện thoại di động không làm được. Đồng thời, đầu tư tương xứng với mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, khi triển khai cách mạng kỹ thuật số, cần đặt ra mục tiêu ban đầu, xác định hiện trạng, trọng tâm hiện tại và mục tiêu tương lai. Nhiều quốc gia khác cũng đang loay hoay trong việc xác định chiến lược và hướng đi đúng đắn. Ông Eliasz đánh giá với xếp hạng 27/74 quốc gia về hạ tầng dữ liệu, Việt Nam có dư địa lớn để tiếp tục cải thiện về dữ liệu và hạ tầng dữ liệu.

Phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân giàu có, hạnh phúc hơn
Ông Matthieu François, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số đến từ McKinsey & Company. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Ông Matthieu François, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số đến từ McKinsey & Company cũng đồng quan điểm cho rằng, kinh tế số Việt Nam có tiềm năng lớn. Việt Nam đang đi đúng hướng khi xây dựng nền kinh tế số để tăng cường mức độ đóng góp cho GDP trong thập kỷ tới.

Một trong những khuyến nghị của ông là tận dụng kinh tế số để tăng cường và cải thiện năng suất lao động thông qua số hóa và tự động hóa để duy trì cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tăng cường số lượng nhân tài qua hoạt động nâng cao năng lực, giáo dục đào tạo.

Về vấn đề môi trường dữ liệu, do còn tách biệt, phân mảnh, cần kiến trúc quản trị dữ liệu, khung quản lý để bảo đảm dữ liệu kết nối với nhau. Singapore đã sử dụng dữ liệu mở để thu hút được các khoản đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân, từ đó phát triển thêm dữ liệu và mục đích sử dụng. Khung dữ liệu của EU bao gồm 4 trụ cột để định hình lại không gian dữ liệu, kiến trúc và công nghệ dữ liệu để thúc đẩy đầu tư, niềm tin số, niềm tin dữ liệu.

10 hành động cụ thể về phát triển kinh tế số và xã hội số Việt Nam

Kết thúc phiên cao cấp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã công bố chương trình hành động của diễn đàn với 10 hành động cụ thể:

1-Thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng hướng tới phổ cập smartphone tại các địa phương trên cả nước theo hướng trước mắt mỗi hộ gia đình có 1 smartphone, hoàn thành hỗ trợ smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo qua Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và đi đôi với đó là phổ cập cáp quang đến từng hộ gia đình. Thời gian hoàn thành là tháng 12/2024.

2-Phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như sản xuất chế biến, nông nghiệp, du lịch, logistics và dệt may. Bộ TT&TT và các bộ, ngành, cơ quan chủ quản trong từng lĩnh vực, doanh nghiệp nòng cốt phát triển các nền tảng và các địa phương thúc đẩy sử dụng. Lộ trình thực hiện trong quý IV/2023, Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành sẽ công bố nền tảng số quốc gia xuất sắc trong từng ngành, lĩnh vực và năm 2024 các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai sử dụng.

3-Xây dựng và triển khai miễn phí nền tảng bồi dưỡng kỹ năng số với những khóa học kỹ năng cơ bản cho người dân, đặc biệt là phổ cập trí tuệ nhân tạo (AI) để sáng tạo nội dung.

4-Triển khai 3 dự án điểm quốc gia về ứng dụng AI, cụ thể là xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và xây dựng trợ lý ảo để hỗ trợ công chức, viên chức khối hành pháp; trợ lý ảo tránh chồng chéo văn bản quy phạm pháp luật cho các cán bộ lập pháp; và đặc biệt là trợ lý ảo về pháp lý phục vụ người dân.

5-Tiếp tục hướng dẫn, phổ biến triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, đồng bộ trong cả nước để tổ này hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số.

6-Chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường mạng đi đôi với đảm bảo an toàn thông tin. Mục tiêu là bảo đảm an toàn thông tin mạng cho tối thiểu 70% thuê bao kết nối Internet được truy cập an toàn.

7-Phát triển và phổ cập chữ ký số cho người dân, phấn đấu hoàn thành phổ cập chữ ký số cho người dân vào năm 2025.

8-Đo lường và định kỳ hàng quý công bố tỷ trọng kinh tế số trong GDP và đặc biệt là quý IV/2023, ra mắt bộ công cụ đo lường kinh tế số, cho phép các địa phương sử dụng để đo lường kinh tế ICT của tỉnh mình theo từng quý.

9-Nhanh chóng xây dựng và trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử trước quý II/2024 để có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực của Luật.

10-Bộ TT&TT chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển kinh tế số và xã hội số trong phạm vi địa phương; đồng thời trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia đến năm 2025.

Có thể bạn quan tâm