Thêm 2 ngân hàng đối tác chấp nhận chuyển khoản nhanh qua Zalo

Tạp chí Nhịp sống số - Zalo vừa hoàn tất tích hợp tính năng chuyển khoản nhanh với Agribank và Vietcombank, nâng tổng số ngân hàng triển khai dịch vụ này lên 24 đơn vị.

Theo đại diện Zalo, với tính năng chuyển khoản nhanh qua Zalo, các ngân hàng có thể phục vụ khoảng 95% khách hàng toàn ngành ngay trên nền tảng ứng dụng này, mang đến trải nghiệm chuyển khoản nhanh chóng và liền mạch cho gần 78 triệu người dùng thường xuyên.

 Agribank và Vietcombank chấp nhận chuyển khoản nhanh qua Zalo

Được biết, quá trình tích hợp với ngành ngân hàng nhằm cung cấp tính năng chuyển khoản nhanh qua Zalo được đơn vị này bắt đầu triển khai từ năm 2023. Đến nay, việc hoàn tất tích hợp với 4 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam (BIDV, VietinBank, Agribank và Vietcombank) cùng nhiều ngân hàng khác không chỉ góp phần cải thiện trải nghiệm giao dịch của người Việt Nam mà còn hỗ trợ chiến lược chuyển đổi số của các ngân hàng.

Theo đó, tính năng chuyển khoản nhanh trên Zalo cho phép người dùng rút ngắn đáng kể quy trình giao dịch, từ việc trao đổi thông tin tài khoản trong khung chat đến bước xác nhận chuyển tiền trên ứng dụng ngân hàng.

Khác với hình thức chuyển khoản truyền thống vốn yêu cầu người dùng ghi nhớ hoặc sao chép thông tin, chuyển đổi ứng dụng và nhập liệu nhiều lần, tính năng này giúp đơn giản hóa các thao tác nói trên và hạn chế sai sót. Toàn bộ kết nối được thiết lập bằng công nghệ deeplink (liên kết sâu), mang lại trải nghiệm liền mạch và thuận tiện hơn. Giao dịch sẽ được xử lý trên ứng dụng ngân hàng liên kết.

Để sử dụng tính năng này, người dùng chỉ cần bấm “Chuyển khoản” từ trong cửa sổ tin nhắn Zalo, kiểm tra thông tin người nhận và lựa chọn ngân hàng (nếu sử dụng nhiều ngân hàng). Sau đó, người dùng chỉ cần tiến hành xác nhận trên ứng dụng ngân hàng.

Việc các ngân hàng lớn đồng loạt triển khai dịch vụ trên Zalo thể hiện sự chủ động của ngành tài chính trong việc thích nghi với thói quen tiêu dùng số, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng công nghệ quen thuộc trong đời sống hàng ngày.

Có thể bạn quan tâm

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng năng lực nội tại để tự điều phối, tối ưu và đo lường hiệu quả hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thay vì chỉ “tham gia” mà không “làm chủ”.