Việt Nam chú trọng tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn

Tạp chí Nhịp sống số - Trong lĩnh vực công nghệ cao, việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn đang được chú trọng nhằm phát triển các công nghệ chủ chốt mà Việt Nam có lợi thế như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật...

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năm 2023, các địa phương đã triển khai thực hiện 2.658 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong đó có 717 nhiệm vụ mở mới (bao gồm cả nhiệm vụ cấp tỉnh và nhiệm vụ cấp cơ sở). Cơ cấu theo lĩnh vực cho thấy, khoa học nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.081 nhiệm vụ (chiếm 40,7%).

sản xuất chip bán dẫn

Tiếp đến là khoa học kỹ thuật và công nghệ (521 nhiệm vụ, chiếm 19,6%), khoa học xã hội (517 nhiệm vụ, tỷ lệ và 19,5%); khoa học giáo dục - đào tạo, y - dược (331 nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 12,4%); khoa học nhân văn (106 nhiệm vụ, chiếm 4,0%). Chiếm tỷ lệ thấp nhất (3,8%) là khoa học tự nhiên với tổng số 99 nhiệm vụ được triển khai.

Nhìn chung, các địa phương vẫn tiếp tục dành khoảng 60 - 65% kinh phí sự nghiệp KH&CN chi cho hoạt động nghiên ứng dụng và phát triển công nghệ.

Theo báo cáo của các địa phương, các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở cũng được tổ chức triển khai theo hướng nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn. Phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tạo ra sản phẩm mới, theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung ưu tiên vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương.

Đáng chú ý, về khoa học nông nghiệp, các địa phương đã tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt. Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ mới và thân thiện với môi trường trong nuôi trồng, chăm sóc, canh tác, quản lý dịch bệnh, bảo quản và chế biến nông sản.

Cùng với đó là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoặc làm chủ được công nghệ thiết kế chế tạo một số loại máy móc để ứng dụng vào sản xuất. Nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Bảo tồn, khai thác và phát triển được một số nguồn gen cây trồng, vật nuôi, dược liệu, vi sinh vật quý hiếm có giá trị ứng dụng.

Đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thiết kế mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì và xúc tiến quảng bá các sản phẩm. Nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, năm 2023, các nhiệm vụ KH&CN được tập trung theo hướng nghiên cứu ứng dụng, từng bước làm chủ được công nghệ phát triển sản phẩm mới. Đó là các sản phẩm về công nghệ thông tin và viễn thông, cơ khí, vật liệu mới, công nghệ chế biến, dịch vụ, du lịch, năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu...

Các địa phương cũng đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp.

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ cao, việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn đang được chú trọng nhằm phát triển các công nghệ chủ chốt mà Việt Nam có lợi thế như: trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo... Qua đó, giúp thu hút một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI cho địa phương.

Về khoa học xã hội và nhân văn, các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực này tập trung nghiên cứu các vấn đề văn hóa, kinh tế - xã hội gắn liền với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương. Cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc đề ra các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có thể bạn quan tâm