Khai mở tiềm năng dữ liệu số: Nhìn cần xa nhưng làm phải sát

Tạp chí Nhịp sống số - Việc xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số cần có tầm nhìn xa, góc tiếp cận rộng mở... nhưng quá trình thực thi phải sát sao, cụ thể. Đó là quan điểm được các chuyên gia đưa ra tại Toạ đàm “Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi”

Hưởng ứng “Năm dữ liệu quốc gia”, Tọa đàm Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi là nơi chia sẻ những chính sách về khai thác dữ liệu cho đến kinh nghiệm thực tiễn xây dựng hệ sinh thái dữ liệu, đảm bảo an ninh dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của “Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2023 (VDA 2023) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện, Trung tâm Thông tin Truyền thông số là cơ quan phối hợp đồng hành.

Ông Vũ Kiêm Văn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VDCA – cho biết: Tọa đàm nhằm mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, hình thành năng lực tư duy dữ liệu cho các đối tượng đang triển khai chính quyền số, doanh nghiệp số; tìm giải pháp cho những vấn đề và thách thức mà các tổ chức, doanh nghiệp đang gặp phải, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Dữ liệu đóng vai trò lớn trong tiến trình chuyển đổi số 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Khánh - Trưởng Phòng Hạ tầng và Dữ liệu số, Cục chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) - nhấn mạnh: Dữ liệu số là thành phần quan trọng, cốt yếu, luôn được Việt Nam chú trọng xây dựng và phát triển trong hơn hai thập kỷ qua. 

Khai mở tiềm năng dữ liệu số: Nhìn cần xa nhưng làm phải sát
Diễn giả Nguyễn Trọng Khánh - Trưởng Phòng Hạ tầng và Dữ liệu số, Cục chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) - chia sẻ về mức độ trưởng thành dữ liệu số tại Việt Nam

Theo đó, quá trình triển khai xây dựng dữ liệu số ở Việt Nam có thể chia thành 4 giai đoạn, gắn liền với mức độ trưởng thành phát triển dữ liệu làm nền tảng của các thời kỳ. 

Đầu tiên là giai đoạn cơ sở dữ liệu (CSDL) xây dựng một lần. Nhóm này đặc trưng cho việc phát triển các CSDL ở thời kỳ đầu. 

Giai đoạn thứ hai là CSDL trong các hệ thống thông tin. Khi ứng dụng CNTT từng bước được phát triển mạnh trong cơ quan nhà nước, các hệ thống thông tin từng bước hình thành và đã góp phần đắc lực phục vụ các hoạt động của các bộ, ngành, địa phương. Các hệ thống thông tin lớn được xây dựng kèm với các CSDL riêng của nó đã thu thập, lưu trữ được lượng lớn dữ liệu.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn CSDL làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Giai đoạn này chỉ hình thành rõ rệt khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành. 

CSDL làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử khác với các CSDL trong giai đoạn trước khi được xây dựng phục vụ đa mục đích, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu được chuẩn hoá và cung cấp rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, các nhân có nhu cầu để phát triển các ứng dụng, dịch vụ. Dữ liệu được chia sẻ trực tuyến, thời gian thực và chuẩn hoá theo tiêu chuẩn về cấu trúc dữ liệu thống nhất, đồng bộ.

Giai đoạn thứ tư, dữ liệu làm nền tảng chuyển đổi số quản trị công và phát triển kinh tế số, xã hội số: Giai đoạn này thực sự được biểu hiện rõ khi chuyển đổi số đã triển khai sâu, rộng vào đời sống xã hội; dữ liệu ngày càng được thu thập, dồi dào trong xã hội và có sự kết hợp với sự tiến bộ của khoa học công nghệ khi các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn được sử dụng phổ biến.

Theo ông Nguyễn Trọng Khánh, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin hay tin học hóa, sang giai đoạn chuyển đổi số. 

Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và sự ra đời của nhiều công nghệ số mới, những nhìn nhận, cách tiếp cận về dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số cũng có sự thay đổi nhất định. Theo đó, "dữ liệu hoá" không được coi là số hóa mà chỉ là sự biến đổi, phát sinh dữ liệu ngay từ nguồn, trong quá trình hoạt động và không qua trung gian bằng giấy.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số đã nâng cao vai trò của dữ liệu, không chỉ giúp ta nhớ nhanh, nhớ lâu, nhớ chính xác mà còn tác động, định hướng đến cách nghĩ, cách làm việc và tạo ra các giá trị mới.

Cuối cùng, dữ liệu số vẫn là dữ liệu nhưng bổ sung thêm nội hàm ứng dụng công nghệ số mới kết hợp với khoa học dữ liệu để tạo ra các giá trị mới và giải quyết trực tiếp các bài toán thực tiễn, bài toán phát triển kinh tế, xã hội.

Cần làm gì để dữ liệu "chuyển hóa" thành doanh thu, tăng trưởng doanh nghiệp? 

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hoàng Trọng Tôn - Giám đốc Giải pháp & Sản phẩm - Công ty SVTech, trích dẫn bài viết của Economist có tựa đề: "The world’s most valuable resource is no longer oil, but data" (tạm dịch: Nguồn tài nguyên lớn nhất không còn là dầu mỏ mà là dữ liệu).

Để nhập đề, diễn giả dẫn báo cáo mới nhất của Gartner: Đến năm 2026, hơn 25% giám đốc dữ liệu của các tập đoàn lớn thuộc Fortune 500 sẽ đảm nhiệm ít nhất một sản phẩm dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu tạo ra dòng doanh thu chính. Ở thời điểm đó, 20% các doanh nghiệp lớn sẽ sử dụng một platform cho việc hợp nhất và tự động hóa quá trình quản trị dữ liệu rời rạc. 

Như vậy, xét trên góc độ doanh nghiệp, điều hành dựa trên dữ liệu tập trung vào câu hỏi: Mục tiêu sử dụng dữ liệu là gì?

Diễn giả Hoàng Trọng Tôn - Giám đốc Giải pháp & Sản phẩm, Công ty SVTech - nhấn mạnh đến câu chuyện khai thác dữ liệu sao cho hiệu quả nhất

Từ góc độ doanh nghiệp, họ cần tập trung vào trải nghiệm của khách hàng. Đây là yếu tố quyết định để giữ chân khách hàng, tăng lượng khách hàng và từ đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Với nguồn dữ liệu "sạch", "sống" và chất lượng cao, doanh nghiệp có thể dựa vào dữ liệu để sáng tạo ra mô hình kinh doanh mới, tối ưu hóa quy trình vận hành dựa trên dữ liệu. Từ đó, ông Tôn cho rằng, dữ liệu cần được phát triển một cách bền vững chứ không phải tập trung nguồn lực xây dựng và sử dụng trong một thời gian ngắn. Để đạt được yêu cầu đó, các doanh nghiệp cần có một bộ công cụ tích hợp, chuẩn bị dữ liệu một cách hiệu quả.

Theo ông Hoàng Trọng Tôn, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thấy vai trò quan trọng của dữ liệu, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác dữ liệu một cách hiệu quả nhất?

Trên thế giới, các doanh nghiệp hàng đầu đều là các doanh nghiệp công nghệ. Họ thu thập và khai thác dữ liệu rất tốt. 

Còn tại Việt Nam, các ngân hàng đang đi tiên phong trong lĩnh vực này. Họ đều xây dựng các chiến lược khai thác dữ liệu, phát triển thêm các hệ thống data, AI để ra quyết định... 

Nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có cách tiếp cận khác, đại diện SVTech nhấn mạnh. Họ cần/ nên tận dụng những thành tựu có sẵn, từ đó triển khai những dư liệu lớn hơn. Bản thân các doanh nghiệp nhỏ với lượng dữ liệu nhỏ có thể chưa đủ để xây dựng nền tảng AI.

"Muốn khai thác dữ liệu hiệu quả thì phải quản trị dữ liệu tốt. Muốn phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định thì nguồn dữ liệu phải có chất lượng tốt", ông Tôn nói và cho rằng đây chính là điểm hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay. Vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp ở từng quy mô và nhu cầu khác nhau cần nhận thức rõ điều này để xây dựng chiến lược dữ liệu và phân bổ đầu tư một cách hiệu quả, thiết thực. 

Có thể bạn quan tâm