Phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với các nguồn điện bền vững hơn

Phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với các nguồn điện bền vững hơn
Tạp chí Nhịp sống số - Việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với các nguồn điện bền vững hơn sẽ là bước đi khả thi nhằm giảm đáng kể lượng phát thải, đồng thời mang đến nguồn điện ổn định với chi phí hợp lý.

Thông tin được các chuyên gia đưa ra từ tọa đàm “Chiến lược và Hợp tác thúc đẩy Chuyển đổi Năng lượng cho Việt Nam”, do Báo Công Thương phối hợp với Tập đoàn General Electric (GE) tổ chức ngày 22/6 vừa qua tại Hà Nội. Sự kiện thu hút sự tham gia và chia sẻ của các diễn giả đến từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Viện Năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Năng lượng T&T, và GE cùng các doanh nghiệp khác trong ngành. 

Chuyển dịch năng lượng: những thách thức về sự bền vững và ổn định 

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho biết: "Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy". Ông cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi năng lượng, cũng như nêu ra các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện chuyển đổi.

Thực trạng này cũng được TS. Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đề cập cụ thể hơn trong tham luận Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, TS. Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn cùng với nhiều vấn đề được đặt ra như: Những thách thức về bảo vệ môi trường sinh thái và cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Quá trình đô thị hóa và xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật diễn ra ngày càng mạnh mẽ... Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng, tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước; Thị trường năng lượng cạnh tranh mới ở giai đoạn đầu; Trữ lượng và khả năng cung cấp năng lượng trong nước ngày càng hạn chế; Nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng ngày càng lớn... 

Đối với phát triển năng lượng quốc tế, triển vọng tăng trưởng tiêu thụ năng lượng toàn cầu có mối liên hệ chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Về xu thế chuyển dịch năng lượng, có thể thấy các xu hướng chính: giảm tỷ lệ dầu và than, tăng tỷ lệ khí và năng lượng phi carbon. Tỷ lệ năng lượng điện sẽ tăng trong tiêu thụ đầu cuối. 

Báo cáo của TS. Nguyễn Ngọc Hưng cũng trình bày về nội dung các trụ cột đối với chuyển dịch năng lượng. Cụ thể, muốn sử dụng hiệu quả năng lượng phải thay đổi hành vi sử dụng (DSM, DR...); Cải thiện hiệu suất sử dụng (sử dụng hiệu quả năng lượng). Đồng thời, tăng tỷ trọng phương tiện/thiết bị sử dụng điện (phương tiện giao thông vận tải điện, điện hóa trong công nghiệp, tòa nhà...); Giải pháp lưu trữ năng lượng (thủy điện tích năng, pin tích năng, pin nhiên liệu...)

Ngoài ra, phát triển năng lượng tái tạo bao gồm: Năng lượng mặt trời (điện mặt trời mặt đất, mái nhà, lòng hồ; Nước nóng năng lượng mặt trời); Năng lượng gió (điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi); Nhiên liệu sinh học (Sinh khối rắn, nhiên liệu sinh học lỏng); Năng lượng tái tạo khác. Nhiên liệu hydro và nhiên liệu dựa trên hydro (amoniac, nhiên liệu tổng hợp...).

Đặc biệt, thu hồi, sử dụng, lưu trữ cácbon (CCUS) (cơ sở công nghiệp, nhà máy điện, khí hóa than...)

Những góc nhìn mới về chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả

Đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng mang đến góc nhìn mới về chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong phát triển chính sách, cũng như những hỗ trợ cho Việt Nam trong hành trình này.

Theo ông Sean Lawlor, Chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cần có một nền kinh tế mang tính chất mới, tăng cường sự chống chịu, tăng cường nền kinh tế sạch để đạt mục tiêu tại COP26. Ông Sean M.Lawlor cho biết: “Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển đổi từ hơn một thập kỷ trước, đến nay đã cắt giảm điện than còn một nửa, phát triển điện khí đạt 38% tổng hỗn hợp năng lượng đồng thời khuyến khích các giải pháp năng lượng sạch. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực này bằng mục tiêu lắp đặt 30 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng tỉ trọng điện mặt trời lên tới 40% trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2035. Là đối tác lâu dài của Việt Nam, chúng tôi đang khuyến khích chính phủ Việt Nam triển khai các giải pháp sáng tạo về chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra tại COP26. Các chính sách bao gồm cơ chế mua bán điện trực tiếp, đấu giá, tiêu chuẩn vay vốn và phê duyệt cho các khoản đầu tư cũng như dự án truyền tải điện. Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, vốn, chuyên môn về chính sách và kỹ thuật để đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này”.

Ông Narendra Asnani - Tổng giám đốc Khối Dịch vụ GE Gas Power châu Á

Đồng tình với quan điểm này, ông Narendra Asnani - Tổng giám đốc Khối Dịch vụ GE Gas Power châu Á - cũng cho rằng, các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí, cùng với các giải pháp như công nghệ hydro và thu giữ cacbon, có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon. Khí tạo ra nguồn điện đủ linh hoạt, có khả năng củng cố lưới điện để bổ trợ cho các loại điện tái tạo.

Ông Narendra Asnani nhấn mạnh: Với sự hiện diện mạnh mẽ ở Việt Nam cùng cam kết hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng thông qua những công nghệ năng lượng hiệu suất cao mới nhất, GE đang cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng.

GE đang tích cực đóng góp cho tương lai ngành năng lượng thông qua việc tăng tốc phát triển điện tái tạo kết hợp với điện khí một cách có chiến lược, giúp giảm phát thải hiệu quả đồng thời mang lại nguồn năng lượng đáng tin cậy với giá cả hợp lý.

Trong phần thảo luận chuyên sâu, các đại diện từ Viện Năng lượng, USAID, EVN, T&T cùng GE đã trao đổi và đề xuất những giải pháp từ các khía cạnh công nghệ, chính sách, tài chính… nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam.

Những kinh nghiệm và ý tưởng được chia sẻ trong hội thảo cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng để đạt được sự phát triển bền vững. Với sự hợp tác đa phương, song song xây dựng chính sách và quy định phù hợp đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến, tiến trình cuộc chuyển đổi sẽ được triển khai nhanh chóng, giúp đảm bảo nguồn năng lượng và góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.

Hiện tại, khoảng 27% điện tại Việt Nam đang được tạo ra từ các thiết bị của GE ở hơn 10 nhà máy và dự án điện. GE hiện có 6 cơ sở hoạt động trên toàn quốc, trong đó có nhà máy sản xuất máy phát điện tuabn gió tại Hải Phòng, xưởng sửa chữa tuabin khí tại Phú Mỹ và nhà máy sản xuất lò hơi thu hồi nhiệt tại Dung Quất, Quảng Ngãi.

Có thể bạn quan tâm

Báo cáo mới nhất từ IDC cho thấy Honor và Huawei đã chiếm vị trí đầu tiên về thị phần tại quê nhà Trung Quốc trong quý 1/2024, trong khi Apple rơi xuống vị trí thứ 4, sau cả Oppo.