Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Blockchain Quốc gia

Tạp chí Nhịp sống số - Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 .

Theo Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược Blockchain Quốc gia) vừa được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành, blockchain được định nghĩa là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Việc ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực trong ngành blockchain 

Theo Chiến lược Blockchain Quốc gia, tầm nhìn đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; Có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Blockchain Quốc gia
Chiến lược Blockchain Quốc gia đặt mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain.

Để thực hiện mục tiêu này, trong Chương trình Hành động giai đoạn 2024 - 2030, ban hành kèm theo Quyết định 1236/QĐ-TTg, Chính phủ đưa ra 5 hành động cụ thể, bao gồm: (1) Hoàn thiện môi trường pháp lý; (2) Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp blockchain; (3) Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực blockchain; (4) Thúc đẩy phát triển và ứng dụng blockchain; (5) Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.

Trong đó, mỗi hoạt động được giao cụ thể cho các Bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ,.. chủ trì và chịu trách nhiệm.

Tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng và phát triển blockchain

Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược Blockchain Quốc gia là việc xây dựng môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ này. 

Theo đó, đến năm 2025, hình thành Hạ tầng blockchain Việt Nam bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân phục vụ các hoạt động phát triển, triển khai, vận hành và bảo trì các ứng dụng blockchain; hỗ trợ khả năng tương tác, tích hợp và chia sẻ giữa các chuỗi khối; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hoạt động ứng dụng và phát triển blockchain.

Cùng đó, thúc đẩy, tăng cường ứng dụng công nghệ blockchain, thông qua việc lựa chọn, hình thành tối thiểu 01 trung tâm/đặc khu/địa bàn thử nghiệm về blockchain để hình thành mạng lưới quốc gia về blockchain; ưu tiên triển khai tại các đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai về mạng lưới chuỗi khối của địa phương.

Hình thành hệ sinh thái "Blockchain+" thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ Blockchain trong các ngành, lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, bưu chính - chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác.

Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển blockchain. 

Trong đó, rà soát, nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của hành lang pháp lý hiện hành với các giải pháp, ứng dụng Blockchain. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ liên quan, nhằm đảm bảo tính liên thông và tính mở của các bên tham gia vào các giao dịch dựa trên công nghệ Blockchain.

Tăng cường hướng dẫn và điều chỉnh công nghệ Blockchain. Nâng cao hiệu lực các quy định của pháp luật trong quản lý công nghệ này để thúc đẩy sự phát triển an toàn, tin cậy....

Xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng và phát triển nền tảng quản trị, vận hành Hạ tầng Blockchain Việt Nam. Phát triển các nền tảng Blockchain Make in Việt Nam. Xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng Blockchain hoạt động trên Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam.

Phát triển công nghiệp blockchain gắn với chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số tạo động lực đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đẩy nhanh quá trình tích hợp ứng dụng công nghệ chuỗi khối và các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng lần thứ tư như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật,… đồng thời, thúc đẩy phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ tích hợp ứng dụng công nghệ blockchain.

Phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, tạo không gian hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp blockchain và công nghiệp công nghệ số. Thúc đẩy xây dựng các trung tâm ươm tạo và thu hút đầu tư cho phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong lĩnh vực này. Triển khai các giải pháp huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển doanh nghiệp và thương hiệu về blockchain tại Việt Nam...

Tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng chuỗi khối (blockchain platform) thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài...

Trước đó, ngày 8/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ trưởng Bộ TT&TT trình bày. Đây là lần đầu tiên tài sản số được chính thức đưa vào văn bản luật với quy định cụ thể là loại tài sản vô hình, được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Việc luật hóa định nghĩa tài sản số là một trong những hành động hiện thực cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, với mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước thời điểm tháng 5/2025. Các cam kết này được thể hiện trong Kế hoạch Hành động quốc gia, được ban hành tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm