Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Điều này có thể trở thành hiện thực là nhờ vào tầm nhìn của chính phủ trong việc thúc đẩy Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhờ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.
Dù các chính sách đã được đề ra, nhiều đối tác trong hệ sinh thái đã và đang đầu tư vào việc triển khai 5G trong nước cũng như phát triển các sản phẩm tận dụng lợi ích từ công nghệ 5G, Qualcomm Technologies và Samsung tin rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa tất cả các bên liên quan sẽ hỗ trợ thúc đẩy 5G trên khắp cả nước.
Trong bối cảnh đó, Hội thảo đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan để chung tay đạt được mục tiêu phát triển hệ sinh thái di động 5G tại Việt Nam. Đây cũng là nơi để đại diện từ các bên liên quan chia sẻ các tri thức về cách mở rộng quy mô 5G trong nước. Tham gia sự kiện, có đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Qualcomm Technologies, Samsung và VNPT Technology.
Theo ông O.H. Kwon - Phó chủ tịch cấp cao của Qualcomm CDMA Technologies (tại Hàn Quốc) YH kiêm Chủ tịch Qualcomm tại Hàn Quốc và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), việc xây dựng một hệ sinh thái di động 5G rộng mở tại Việt Nam cần có sự tham gia của các bên liên quan khác nhau từ phía nhà nước lẫn doanh nghiệp.
"Bằng cách quy tụ mọi người lại với nhau, chúng tôi tin rằng mình có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các công ty, tổ chức và cùng hợp lực giúp Việt Nam tiến gần hơn đến kế hoạch và mục tiêu về 5G được đề ra. Qualcomm Technologies vẫn giữ nguyên cam kết hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan thông qua việc chia sẻ những hiểu biết về chuyên môn và công nghệ của mình, qua đó hiện thực hóa mục tiêu chung", ông O.H. Kwon nói.
Phiên tọa đàm cũng đã diễn ra với sự tham gia của đại diện từ Qualcomm Technologies, Samsung, Viettel và TikTok. Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ những vấn đề về ứng dụng và khai thác tiềm năng công nghệ 5G tại Việt Nam, như các thiết bị hỗ trợ 5G ,nhu cầu về sự gia tăng hiện hữu của 5G khắp cả nước, và cách 5G có thể nâng tầm trải nghiệm của người tiêu dùng, đặc biệt là trên mạng xã hội...
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tham gia của các nhà mạng viễn thông di động có thể giúp 5G dễ tiếp cận đến nhiều khu vực trong nước hơn, việc xây dựng một hệ sinh thái di động 5G còn cần có sự hỗ trợ từ chính phủ trong việc mở rộng quy mô 5G, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEMs) phát triển nhiều thiết bị hỗ trợ 5G hơn và được phân phối rộng rãi bởi các đại lý trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Việt Nam đặt mục tiêu sớm phủ sóng 5G tới các khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu, khu công nghiệp có nhu cầu ứng dụng 5G ngay khi cấp phép và đến năm 2025, cơ bản dân số được phủ sóng 5G và đến 2030, 100% dân số được phủ sóng 5G. Với việc sẵn sàng về hạ tầng viễn thông băng rộng qua cáp quang và di động, công nghệ 5G sẽ là tiền đề để tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế thực hiện chuyển đổi số, sẵn sàng cho Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch HĐQT VNPT Technology, đơn vị Khoa học Công nghệ thuộc Tập đoàn VNPT chia sẻ: “5G sẽ giúp xây dựng một xã hội kết nối, tạo thuận lợi cho triển khai các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng số tới mọi người dân, mọi tổ chức. Với nhận thức đó, chúng tôi đã và đang nỗ lực phát triển các sản phẩm, giải pháp cũng như tham gia triển khai hạ tầng kết nối số, các nền tảng số, tận dụng và phát huy hiệu quả các lợi ích của công nghệ 5G, góp phần xây dựng hạ tầng số thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.”